Trang

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

CHIỀU VÀNG CAO NGUYÊN


     Tôi nhìn bâng quơ xuống lòng hồ cạn kiệt, cố hình dung ra mặt nước từng in bóng mây trời của Xuân Hương. Hình như mấy tuần qua không có mưa vì đã có dấu hiệu nứt nẻ khắp nơi. Bụi lất phất lan tỏa như màn phấn. Chỉ một làn gió nhẹ cũng đủ đưa những hạt nâu vàng lãng đãng bám theo gót chân hay tà áo của những bộ hành đang thả bước trên mặt phẳng mới bốn tháng trước còn là đáy của một thắng cảnh trữ tình. Chiều đang dần buông. Nắng đã trở màu. Bóng của chiếc plongeoir kéo một vệt dài, vắt ngang mấy dãy bàn ghế ngòai ban công của cà phê Thủy Tạ. Lần nào ngồi đây, tôi cũng đều nhớ ngày cả nhóm hội học cúp cua kéo nhau đi một vòng sân Cù chụp ảnh lưu niệm, sau đó vào Thủy Tạ, vừa nhâm nhi cà phê vừa tán dóc rồi sau cùng hỏi nhau có ai biết gì về chuyện mấy anh Tây hay em Đầm ngày xưa leo lên cầu nhảy để phóng xuống mặt nước quanh năm lạnh lẽo của Xuân Hương hay không. Đó là một ngày thứ bảy mùa đông của 12 năm về trước, hôm nay cũng là thứ bảy, một ngày đẹp trời của Đà Lạt vào thu.



      Thứ bảy thường mang đến trong tôi chút nôn nao, rộn ràng, huống chi tôi lại đang là một du khách, hiểu theo nghĩa một người phương xa vừa đến với cao nguyên. Nhưng không chỉ có thế. Tôi cũng là một kẻ đang cố tìm lại chính mình, tìm lại kỷ niệm dấu yêu sau khoảng thời gian hơn mười năm xa rời Đà Lạt. Mỗi lần trở lên phố núi là mỗi lần tâm tư có dịp lắng đọng. Lần nào cũng vậy. Hai năm, sáu lần hít thở không khí của núi đồi qua là đủ sáu lần rung động vì khung cảnh trữ tình, miên man vì kỷ niệm chập chùng ẩn hiện, và hạnh phúc ngập lòng khi gặp lại những người bạn học kiêm đồng đội quân trường cùng những gương mặt thân quen khác.
      Hôm nay tôi chỉ muốn ngồi một mình để sống lại cảm giác cô đơn của những ngày trọ học, nhớ ngày lên ghi danh đúng 13 năm về trước, nhớ mấy đêm trăng trên thềm Palace và nhớ những gương mặt một thời là nguồn cảm hứng bất tận, đặc biệt là nụ cười kín đáo cùng mái tóc Khánh Ly của “ Một Tà Áo Trắng “ trong giảng đường Spellman. Mới hôm nào chân ướt chân ráo, vừa hỏi thăm đường, vừa đi tìm Ty Quan Thuế trên Hải Thượng để trình giấy xin chỗ trọ, vừa ngây ngất với những hàng dã quì hai bên đường, đến đỗi có vài tiếng khúc khích của vài tà áo tan trường kèm theo câu nói với nhau “ Dã quì mà cũng có người nhìn ngắm kỹ thế à!? “


                                                              ( hình minh họa)
      Thoáng chốc mà đã qua rồi thời mộng mị vàng son của một quãng đời …” học sĩ “. Đã không còn những xao xuyến bất chợt, hay lãng mạn hồn nhiên của một mùa Nhập Môn. Nhưng vẫn còn đó mối cảm hoài rất lâng lâng khi nhớ thời mới lớn. Vẫn những bâng khuâng rất trữ tình khi vừa hít thở không khí cao nguyên. Làm sao không nhớ kỷ niệm khi cảnh xưa vẫn đầy ắp chung quanh? Làm sao quên được quá khứ với thật nhiều nồng nàn của từng niềm vui, nỗi buồn trong mọi sinh hoạt trải dài từ khuôn viên đại học đến phố núi mù sương, từ đồi cao, lũng thấp đến cả con dốc thơm hương của từng mùa hoa ngay khu vực chung quanh gác trọ?
      Chiều đang chậm trôi và bước chân rời khoảng sân Thủy Tạ đang đưa tôi về phía nhà thờ qua hướng thềm Palace . Lại là khoảng không gian của những đêm không lời tình tự, của những thánh lễ mùa đông nhạt mờ ánh điện và của những xôn xao trên bước đường du lịch mới hai năm qua với những người bạn công nhân. Dù chưa đủ cường độ tình cảm để gọi là “ con đường ngày xưa chúng ta đi “ , dù chưa có hình ảnh chụm đầu nơi “ giáo đường in bóng “, nhưng quãng đường từ Palace qua nhà thờ dọc theo Yersin vẫn muôn thuở là nhịp cầu thân ái nối lòng tôi với khung trời nên thơ của Đà Lạt. Trong tôi, cảnh vật luôn êm đềm và con người thường thân mật nên nguồn thơ thành bất tận mà con người thì hiện hữu đến mức…mông lung. Điều này đang trở thành hiện thực khi tôi rải chân qua Hotel Du Parc, bây giờ là Khách sạn Đà Lạt, đến nhà thờ Chính Tòa, rồi đổ dốc để xuống cầu Ông Đạo. Lần nào cũng vậy, từ hai năm qua, cũng như lúc gần đây, khi lòng vòng trên những con đường hay ghé thăm những nơi chốn quen thuộc, tôi thấy mình lại là kẻ cô đơn, là chàng sinh viên cù lần theo học trường Chánh Trị Kinh Doanh của ngày xưa thân ái.



      Đi một mình giữa núi đồi Đà Lạt đúng là một nỗi muộn phiền da diết. Tâm trạng này đã theo tôi từ ban trưa, khi quyết định ghé qua tất cả những con đường đã từng in vết chân xuôi ngược, sau đó lang thang khắp nơi thay vì loanh quanh mua sắm rồi cùng bạn bè văn nghệ theo xe của Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng trở về chỗ trọ. Không cần đi đâu xa, chỉ đếm bước trên mấy con dốc nho nhỏ quanh phố chính cũng đủ thấy hạnh phúc cho dù đã vắng bóng cố nhân. Đi cho qua thì giờ. Đi cho lòng man man nỗi nhớ, cho kỷ niệm được hồi sinh trong một tâm trạng bồi hồi, một cảm hoài thật lâng lâng khó định nghĩa. Thành Thái, Duy Tân, Hải Thượng, Phan Đình Phùng cùng những con đường rực cánh hoa quì hay loáng thoáng màu vàng phấn của mimosa cuối mùa vẫn mang sắc thái hiền hòa, thơ mộng cố hữu. Cây ngọc lan trong mảnh vườn nhỏ bé nhưng xinh xắn của Thành Thái, mấy khóm tường vi của nhà ai bên Phan Đình Phùng, khoảng sân với hai mái nhà nằm cạnh nhau trên Hải Thượng, và cả ngôi biệt thự mùa hè của Ty Quan Thuế gần bên vẫn là một ấm áp dễ thương khi nhớ lại đêm xuân Đà Lạt, một chiều dạo phố tháng 3, ngày chia tay cuối khóa và lần ghi danh đại học đúng vào mùa thu của 13 năm về trước. Người xưa đã biền biệt nơi nào không biết nhưng cảnh cũ vẫn nguyên tuyền kỷ niệm. Thăm lối cũ, nhìn cảnh xưa để quá khứ luôn luôn hiện hữu dù là dưới hình thức của nỗi buồn xa xăm, một nỗi buồn rất…Đà Lạt!



      “…Tiếc quá! Phải chi Ngọc gửi thiệp sớm hơn vài ngày thì không chừng mình có thể gặp nhau trong tiệc cưới…Mấy bạn “ Lính “ nói lại mới biết. A! Dạo này du lịch miễn phí đều đặn phải không? Nhưng sao không ghé qua nhà? Sao không tạt ngang chỗ làm của Ngọc? Từ Cà Phê Tùng đến chỗ làm chỉ cách một ngả ba thôi mà! ... Giận Huy lắm đó!.. Nếu có dịp trở lên Đà Lạt thì nhớ tới chơi với tụi này nha…” Chàng ” cũng là dân Lính. Chắc chắn hai người sẽ hợp nhau ngay…”
      Những dòng thư mang nét chữ quen thuộc lại thoáng hiện trong đầu khi tôi lên đến Hòa Bình. Hơn nửa năm qua tôi vẫn phân vân tự hỏi nếu nhận tin kịp thời và có mặt trong tiệc cưới của “ Nàng “ thì tâm trạng lúc đó sẽ ra sao. Tôi thầm cảm ơn định mệnh đã cho tin đến trễ, nhưng cũng phân vân thật nhiều trước khi gửi vài lời muộn màng trong tấm thiệp chúc mừng, và lại càng phân vân hơn khi mấy lần trở lên Đà Lạt, qua lại khu phố thân quen, con đường kỷ niệm, mà vẫn không thấy thoải mái đi tìm “ thân chủ thư tín trung thành nhứt “ trong số những gương mặt thân tình, nam cũng như nữ của Đà Lạt.
      Qúa khứ không thể ngủ yên. Hiện tại vẫn man mác muộn phiền, vẫn những quạnh lòng theo từng bước chân lãng đãng, lòng vòng quanh phố núi . “ Nàng “ bây giờ là ai trong số những tà áo dài tan sở đang qua lại trên đường?! Ngọc hôm nay ra sao? “ Mái tóc Khánh Ly “ là người nào trong số những gương mặt đang ra vào phố chợ để tìm mua những gì cần thiết cho sinh hoạt cuối ngày? Chiều đang vàng nắng. Bóng của Hòa Bình đã nghiêng dài qua phía chợ. Một ngày thu sắp đi vào tối. Nhịp sinh hoạt vẫn mang vẻ tất bật cố hữu nhưng lòng tôi thì vẫn trì trệ với thời gian. Làm gì cho hết ngày?! Đi ăn rồi đón xe vào khu nhà nghỉ của đội văn nghệ bên Trần Hưng Đạo, hay vào Bá Đa Lộc để thăm bạn và tìm không khí dễ thương của một mái ấm gia đình, rồi sau đó thức sáng đêm kể chuyện lính tráng cho nhau nghe? Bạn mới quen có lẽ đang chờ tôi về chỗ trọ để có thêm tay Domino hay xập xám, còn đồng môn và cũng là đồng đội cũ thì có lẽ đang trên đường về nhà sau một ngày “ thể dục có trả lương ” nơi công trường khai thác đá Cam Ly.
      Khi tôi thả chân bước xuống bậc thang của Hòa Bình thì ánh điện trên mấy tấm panô quảng cáo cũng vừa bật sáng. Phố xá đang lên đèn. Chiều vàng cao nguyên đang nhường lối cho bóng tối hoàng hôn. Đã thấy thoáng lạnh trong không khí. Mới đó mà đã qua một ngày trong đời với trọn vẹn niềm vui và nỗi buồn như thời trọ học. Hình như tôi không thấy mình thay đổi cho dù đã hơn 12 năm. Tôi vẫn là tôi của tuổi đôi mươi, vẫn là tôi của giảng đường, của nhóm hội học, của thơ thẩn mông lung. Hình như Đà Lạt đã lưu trữ kỷ niệm cho mọi người, trong đó có tôi, để khi trở lại sẽ có cảm giác mình chưa hề rời khỏi núi rừng cao nguyên.



     Tâm trạng này đã biến thành những bước phân vân rồi đưa tôi vào một quán ăn bình dân ngay phía trước khách sạn Lang Biang, nơi có gốc phượng già đang nghiêng dáng buồn thiu chờ qua xuân để trổ màu hoa tím. Khi xong bữa cơm tối, về ngang khu bến xe Lam thì đã không còn chuyến nào đi về hướng Chi Lăng. Vậy thì đêm nay chắc chắn phải dành cho những câu chuyện Đà Lạt cùng với những kỷ niệm gió sương thời chinh chiến mới được. Tôi bất chợt mĩm cười. Cả ngày xuôi ngược trong miên man trên khắp phố phường cao nguyên, mãi cho đến lúc này bước chân mới thật sự có định hướng rõ rệt. Nhưng không phải lên thẳng dốc nhà thờ mà vòng trở lại khu chợ để tìm chút quà mọn cho gia đình bé nhỏ đằng sau nhà nguyện Đa Minh, nơi có ngôi nhà mang số 30 đường Bá Đa Lộc. Lại một hạnh phúc trong đời để mai này càng thêm nhớ Đà Lạt cho dù ở bất cứ phương trời nào.


HUY VĂN

( Để nhớ Thứ bảy 27-10-1984 )




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét