Trang

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

BÓNG NGƯỜI HAY BỤI SƯƠNG





Huy Văn

Thân tặng Võ Hữu Trí và "Ngự Lâm Pháo Thủ ”: Thẩm Trần Khiêm, Hoàng Cương Thường.
Để tưởng nhớ "Đạt Ta Nhăng” Bùi Văn Rạng

on đường Bá Đa Lộc bắt đầu từ Yersin đổ xuống thung lũng, mất hút trong những vườn cam, chanh và hai hàng ngo cổ thụ. Ngôi nhà mang số 30 Bá Đa Lộc không nằm trên đường chính mà lại nằm trong con hẻm chạy vòng ra phía sau nhà thờ Đa Minh. Là một khu gia trang thì đúng hơn, vì bác Nguyễn Thiên đã nối thêm một dãy nhà hai tầng, tầng dưới đúc bằng gạch xây, bên trên là gỗ, dành cho học sinh, sinh viên trọ học. Từ cổng đi vào thì bên trái là nhà của gia đình, bên phải là khu trọ học có lối đi riêng lên lầu, hay vào các phòng dưới tầng trệt. Trên lầu có 6 phòng đối diện nhau, từ cầu thang đi lên thì mỗi bên có hai phòng đơn rồi đến hai phòng đôi ở cuối tường. Tôi và Khưu Kim Lộc chọn căn phòng đôi bên trái. Hôm đó là Chúa Nhật 14-11-1971. Khóa 8 Chánh Trị Kinh Doanh khai giảng ngày hôm sau.

      Nhập học mới mấy ngày thì đêm thứ sáu 19-11 Lộc trúng thực ói mửa đầy phòng. Nửa đêm phải vào cấp cứu ở Bịnh Viện Toàn Khoa, trưa hôm sau thì được cho về mặc dù chưa khỏe hẳn, và câu chuyện bắt đầu khi đêm đó Lộc lay tôi dậy, lắp bắp:

     - Mày có thấy gì trong góc phòng không Huy?

     Tôi vừa bực mình vừa buồn cười:

     - Tao đui mà biểu thấy cái gì chứ! Chuyện gì vậy?

     Lộc kê vào tai tôi nói nhỏ:

     - Ma! Ở ngay chỗ bức tranh.

      Tôi với tay mò tìm cặp mắt kiếng trên đầu nằm, chăm chú nhìn vào góc tối, nơi có treo cây ghi ta và poster do một người bạn họa sĩ vẽ tặng. Không thấy gì, ngoài hình ảnh lờ mờ của gương mặt và mái tóc cùng hình dáng cũng rất nhá nhem của cây đàn. Tôi lồm cồm ngồi dậy, chồm lên bàn học bật công tắc, ngọn néon giữa trần lóe sáng, soi rõ mọi thứ trong căn phòng tương đối thoáng rộng.

     -Mày có nằm mơ hay không? Tôi hỏi.

     - Mơ gì chớ! Mày ngáy om xòm thì có. Mới hơn nửa đêm thôi mà.

     -Hay là tại mày còn yếu trong người nên...

     -Tầm bậy! Tao tỉnh lắm, mày còn lạ gì cái tật thức khuya của tao chứ.

      Tôi tắt đèn, vừa nhìn lơ mơ vào khoảng tối cuối phòng vừa hỏi:

     -Mày thấy gì vậy?

     -Một cô gái!

     Tôi bật cười:

     -Thôi đi ông nội. Mày bị Bồ Tùng Linh đầu độc rồi.

     Lộc có vẻ khó chịu:

     -Mày tưởng tao chế hả?

     -Không phải. Nhưng có lẽ chỉ là tưởng tượng thôi.

     Lộc dịu giọng:

     -Tao cũng mong như vậy. Có điều...

     -Thôi ngủ đi. Sáng mai có họp nhóm và picnic cả ngày đó. Tao còn phải dậy đi lễ sớm nữa.

      Lộc im lặng kéo mền đắp ngang bụng, mắt vẫn chăm chăm nhìn về phía treo đàn. Tôi cũng nhíu mày nhìn về hướng đó, một lát sau mới tháo kiếng, quay mặt vào tường. Gương mặt mờ mờ của cô gái trong tranh theo tôi vào giấc ngủ lúc nào không biết.

      Hai tuần sau đó, mặc dù Hoàng Cương Thường năn nỉ tôi lo phụ giúp việc tranh cử vào Ban Đại Diện năm Nhập Môn, tôi khẳng khái từ chối để đi một chuyến xuống Phan Rang với Nguyễn Ngọc Thưởng, con trai bác Thiên, lo chuyện gì đó của gia đình. Đi sáng sớm thứ bảy 4-12, về Chúa Nhựt, buổi tối. Khi lên đến phòng thì mọi người còn bàn bạc sôi nổi về việc tranh cử bên căn phòng đôi của Thường. Còn giang sơn của Lộc và tôi thì phơi đầy bích chương, biểu ngữ chưa ráo mực. Cửa mở, nên Lộc và mọi người nhìn thấy tôi ngay. Chưa kịp nghỉ ngơi thì đã bị Liên Danh Cây Thông của họ Hoàng xâu cho việc chạy xuống phố lấy phần cơm tối đã đặt sẵn ở một quán quen tuốt bên Hàm Nghi. Rồi khi tan hàng là phụ dọn dẹp cả hai phòng. Xong xuôi mọi thứ thì đã gần mười giờ tối. Đã vậy tôi còn bị Lộc "tra tấn” bằng câu chuyện mới xảy ra đêm hôm trước. Lộc kể:

     - Hôm qua có họp mặt cà phê nhạc tại đây. Rạng, Trí, Hùng về phòng ngủ sớm. Anh Khiêm, Thường và tao nói chuyện tới hơn hai giờ sáng. Nằm xuống giừờng chưa bao lâu thì tao thấy rõ ràng có cái bóng ở chỗ cây đàn đứng nhìn về đây. Mới đầu tao tưởng là cái áo măng tô, cũng treo trong góc như mày thấy đó. Nhưng không phải. Tuy là chỉ có ngọn đèn ngủ lờ mờ, nhưng tao cũng thấy được đó là bóng dáng của một người con gái. Thiệt đó. Mày đừng có cười cười như vậy có được không!? Chừng mười phút thì tao lạnh cẳng, vì cái bóng vẫn còn đó, nhưng cặp mắt! Trời ơi! Tao chưa bao giờ thấy cặp mắt ai mà buồn như vậy cả. Xạo hả? Không! Tao đâu có cận thị như mày mà xạo chứ. Chắc chắn là ma rồi. Nét mặt hả? Không! Không phải là cô gái trong poster ông Quang vẽ đâu. Tao đâu có vô duyên đến mức nhìn tranh ảnh rồi tưởng tượng này nọ chứ! Nhưng có một điểm giống như lần trước là cửa sổ mở, chứ không đóng. Khi nhận ra điều đó thì tao bật dậy mở đèn. Không thấy gì nữa. Sau khi đóng cửa sổ thì tao hết muốn ngủ, và cũng không muốn tắt đèn. Xưa nay tao không sợ ma. Mình là Hướng Đạo mà! Nhưng lần này tao đổ mồ hôi dù trong phòng lạnh ngắt. Tao để đèn sáng, thức luôn, hút thuốc và nghe nhạc cho tới khi anh Khiêm gõ phòng từng đứa, rủ xuống Không Tên uống cà phê và thưởng thức croissant mới ra lò. Ai cũng tưởng tao dậy sớm nhứt. Còn tao thì im luôn chuyện này. Nói ra thì họ cũng như mày thôi. Không ai tin là có ma cả.

     Tôi im lặng sau khi Lộc ngưng kể. Là bạn thân suốt thời Trung Học, cùng chung một Kha Đoàn Hướng Đạo, nên tôi biết là Lộc không nói đùa. Tôi thì mặc dù bán tín bán nghi, nhưng đã có phần nào dao động. Tuy vậy, vẫn cố làm ra vẻ thản nhiên, đùa cợt:

     -Sao chuyện ma nào cũng là đàn bà không há?!

      Lộc im lặng, đến ngồi tại chiếc bàn bên cửa sổ, đốt thuốc, trầm ngâm một lát rồi mới nói:

     -Thông thường thì ở một mình mới hay bị ma nhát. Đằng này...

     - Thì mày bảnh trai hơn tao nên ma nó khoái mày chứ gì.

     - Đừng giỡn cha nội. Rồi sẽ tới phiên mày cho coi.

     Tôi bật đèn ngủ, uể oải chui vào mền:

     - Chừng đó tao sẽ kể cho nghe, còn bây giờ thì tao "phê " trước. Mày nhớ đóng cửa sổ nha.

      Khoảng một tuần sau thì Lộc về Sài Gòn dự đám cưới của bà chị thứ bảy. Khi trở lên, Lộc cho biết là sẽ bỏ Đà Lạt để về học Luật. Tôi không hỏi vì sao và Lộc cũng không cho biết nguyên do. Cả nhóm hội học đều bất ngờ. Ai cũng buồn khi phải chia tay với một người bạn vui tính, hoạt bát và rất hòa đồng. Lộc đi rồi mới thấy căn phòng rộng thênh thang. Tôi ngõ lời muốn đổi phòng với Võ Hữu Trí và Trần Mộng Hùng nhưng hai người bà con xa của tôi nói là ở tạm để chờ chỗ trống trong Đại Học Xá nên không muốn dời tới dời lui mất công. Và cũng may là bác Thiên rất thông cảm nên để yên cho Thường và tôi ngự trong hai phòng khá bề thế của dãy nhà trọ mà chỉ phải trả tiền theo giá của phòng đơn mà thôi. Thì giờ dành cho việc học chiếm gần hết thời gian trong ngày. Phần sợ không được hoản dịch vì lý‎ do học vấn nếu cuối năm không lên lớp, phần khác là không muốn buồn lòng ba má, nên ngày cũng như đêm, tôi học hành rất chăm chỉ. Thì giờ rảnh thì thơ thẩn một mình hay cà phê với nhóm "Ngự Lâm Quân”, dự lễ misa mỗi chiều, hoặc dành thì giờ cho nhóm hội học trong những lần họp hành hay picnic bỏ túi để thêm thân tình. Một vài trang sách, vài bản nhạc quen bên ly cà phê sau khi ôn bài mỗi đêm, và vài vần điệu thơ thẩn đủ để mỏi mệt ngủ vùi và quên luôn "Con Ma Nhà Họ Nguyễn ". Hay nói đúng hơn, là chưa thấy bóng người con gái hiện ra trong đêm như Lộc nói.

      Đêm Giáng Sinh năm đó tôi về thăm gia đình và bè bạn, Lộc có ghé lại ngủ đêm và hỏi tôi về chuyện ma trong gác trọ. Tôi nói chưa thấy gì và đùa:

     - Đã nói là mày bảnh trai hơn, nên mày đi thì ma cũng đi theo rồi.

     Lộc cười, rồi nói thêm:

     - Có thể là mộc đè không chừng. Mày thử ngủ bên giường của tao coi.

     Tôi vốn không tin chuyện ma cỏ, mộc đè, nên gạt ngang:

     - Mấy tuần nay có thấy gì đâu. Chắc là mình quên đóng cửa sổ nên sương lạnh lùa vô phòng rồi làm hoa mắt chăng?

     - Có thể lắm, nhưng tao thấy rõ ràng một gương mặt buồn, rất dễ thương. Mà mày có nói cho ai hay chưa?

      Tôi nói chưa, và chợt nghĩ đến Trần Mộng Hùng, người bà con xa, bên ngoại, đã hỏi mượn phòng để đón bạn lên Đà Lạt cho biết cảnh mùa đông cao nguyên. Đà Lạt trầm lắng và u uẩn với những bạt ngàn cỏ, cây, hoa, lá, núi, đồi, không kể mù sương sớm, chiều, cứ như một bức màn tơ buông lững màu xám trắng, mỏng nhạt, đôi khi thật huyền bí. Đẹp như một bức tranh thiên nhiên, tình như một khúc nhạc mơ hồ với tiếng thông reo, suối hát, Đà Lạt đã giữ chân tôi mặc dù Chánh Trị Kinh Doanh không phải là môn tôi ghi danh theo học. Đến giờ cuối thì tôi mới biết là Chính Trị Học - trong đó có Bang Giao Quốc Tế - bị hủy bỏ. Nhưng vì mê Đà Lạt nên tôi vẫn ở lại, với hy vọng có thể gồng mấy môn có dính tới con số là Kế Toán và Toán Kinh Thương. Toán học là món tôi ghét nhất, có thể bị điểm loại, vậy mà tôi cũng không màng huống chi là cái bóng ma con gái của Khưu Kim Lộc trên gác trọ.

      Ngày hôm sau, Chúa Nhựt, Nguyễn Tấn Quang về phép cuối tuần từ Thủ Đức có gặp Lộc và tôi. Người bạn Kha Sinh đa năng, đa tài, mang theo một bức tranh, vẽ một nữ chiến sĩ của một bộ lạc sơ khai bên cạnh một con vật truyền thuyết nửa rồng, nửa rắn. Bức tranh than, kiểu poster, mẫu lấy từ một truyện bằng tranh của Mỹ, là ”đơn đặt hàng" của tôi từ trước khi lên Đà Lạt, và anh Quang đã phải dành thì giờ trong mấy lần phép cuối tuần mới vẽ xong. Lộc nhân dịp này, kể lại câu chuyện ma của chúng tôi và phân bì:

     - Nó có "Cô Gái Bên Cánh Hồng” bây giờ thêm " Nữ Hiệp”. Còn tui ở ngay đây sao ông không vẽ tặng tấm nào hết vậy.

     Anh Quang cười:

     - Tại bồ không đặt hàng thì ai mà biết. Thôi để tôi vẽ tấm khác. Còn "Em" này thì để Huy đem lên treo kế "Em" kia cho có bạn.

      Trước khi chia tay, sau chầu cà phê Givral, Anh Quang có cho biết một tin liên quan đến khu vực sau nhà thờ Đa Minh:

     - Mấy bồ còn nhớ tại sao Trại họp bạn Giữ Vững được tổ chức ở Suối Tiên, Thủ Đức thay vì ở Đà Lạt hay không? Đúng vậy. Đà Lạt bị pháo kích, xâm nhập và quấy rối liên tục suốt từ Mậu Thân đến gần đây. Mãi sau khi khu vực Trường Võ Bị có dấu vết của chủ lực tỉnh mò về làm ăn, thì Đại Tá Toàn mới tăng cường tối đa cho Đại Đội Trinh Sát của Tiểu Khu. Thì chính anh Sĩ của tôi kể lại chứ làm sao tôi biết được. Hôm Huy đến nhà cho biết là đã ghi danh học trên Đà Lạt thì có gặp anh Sĩ và nghe ảnh kể chuyện này. Nhớ chưa?.. Thì đó!.. Anh Sĩ có nói là khu Bá Đa Lộc, và trường Adran cách Tiểu Khu và cơ quan hành chánh Tỉnh không bao xa, nên lâu lâu bị " lạc đạn” hay bị tụi nó về hoài. Nhứt là phía thung lũng dưới dốc Bá Đa Lộc. Một trái hỏa tiễn hay cối gì đó rớt trúng nhà dân trong khu vực phía sau nhà thờ Đa Minh, không biết có phải là chỗ bồ ở trọ hay là nơi nào khác trong khu vực này. Mình không dị đoan nhưng biết đâu...

     Anh Quang chưa dứt câu thì Lộc đã xen vào:

     - Dám lắm nghe Huy. Tao nhớ là Hoàng Cương Thường cũng nói như vậy. Không chừng...

     Tội chận lời Lộc:

     - Không ăn nhằm gì tới chuyện ma của mày đâu.

     Anh Quang cười:

     - Chết là hết. Không ai rảnh để hiện về hù nhát mình đâu. Đợi khi mản khóa tôi sẽ dành một tuần phép để lên thăm gác trọ của Huy cho biết. Trong khi chờ đợi, hy vọng là "Em” của Lộc để yên cho hai "Em" của Huy yên ổn làm đẹp căn phòng.

      Chúng tôi cùng cười xòa sau câu nói đùa của anh Quang. Tôi thì cứ ngắm nghía bức tranh, nghĩ ngợi về một góc nào đó thật thích hợp với cỡ khổ của tấm poster và hầu như không nhớ gì nữa về câu chuyện an ninh của Đà Lạt.

      Thứ tư 28-12-1971, tôi trở lên Đà Lạt, Trí và Thường thì nán ở lại đến sau Tết Tây mới lên để hôm sau đi học trở lại. Vừa lững thững vác túi thả bộ đến nhà nguyện Đa Minh thì Mộng Hùng cũng từ trong ngõ chạy ra đường.

     - May quá! Tui có gài cái nốt trên cửa phòng của ông. Ở tạm bên phòng của tui nha.

      Thứ sáu mấy bả đi Nha Trang. Tui đi mua vài món về ăn cơm tối. Chiều nay mọi người đuối rồi nên ở nhà dưỡng sức.

      Tôi nói không sao, trong lòng nghĩ đến ba mớ quần áo lỉnh kỉnh và vật dụng cá nhân cần cho sinh hoạt hằng ngày. Không ngờ Hùng đã chu đáo rinh hết qua phòng mình, treo, máng lung tung và không thiếu món gì, ngoại trừ sách vở, chiếc cassette và cây đàn ghi ta. Bạn của Mộng Hùng là ba chị em họ Chung: Ngọc Điệp, Ngọc Ánh và Ngọc Sương. Chúng tôi gọi tắt là Sáu, Bảy, Tám cho tiện và cũng là theo thứ bậc của các chị. Sau những màn giới thiệu xã giao là bữa cơm tối và chầu cà phê ấm cúng trong phòng. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi bức tranh tôi vừa mang lên, và cho ý ‎kiến nên treo chỗ nào cho dễ nhìn ngắm. Không khí thân mật, vui vẻ, kéo dài đến gần nửa đêm, sau những màn hát hò, cà phê, và bàn soạn chương trình du lịch cho hai ngày còn lại của các chị. Tôi và Hùng về phòng ngồi tán dóc một lát rồi lên giường. Mới vừa thiu thiu thì bỗng nghe có tiếng thét hãi hùng từ phòng của tôi, sau đó là tiếng mấy chị mở cửa vọt ra ngoài. Hùng và tôi choàng dậy thì đã nghe gõ cửa và tiếng chị Sáu:

     - Hùng ơi! Hùng!...

      Mở cửa bước ra thì bên phòng đối diện anh Khiêm và Rạng cũng đã cùng lúc ra đứng ngoài hành lang. Còn Sáu, Bảy, Tám thì nép vào nhau, vừa run vừa lấm lét nhìn vào phòng của tôi. Chị Sáu chưa hoàn hồn, lắp bắp nói:

     - Chị tưởng mình hoa mắt. Ai dè Ngọc Sương cũng thấy có một cô gái đứng cạnh bàn nước nhìn tụi này. Chưa kịp định thần nhìn kỹ thì Ngọc Ánh la lên rồi vùng dậy phóng xuống giường...

     Mọi người theo tôi trở và phòng. Vừa đi chị Bảy vừa nói:

     - Tôi không biết chị Sáu và Sương thấy gì nhưng tôi nằm ngoài bìa, đang mơ màng thì nghe lạnh sau lưng như có ai vén mền lên. Vừa quay đầu nhìn lại thì thấy rõ ràng một gương mặt và mái tóc dài đang cúi xuống nhìn. Sợ quá, tôi la lên và phóng luôn ra cửa...

      Đèn bật sáng. Anh Khiêm và Rạng mang cả đèn pin qua rọi khắp phòng. Hình ảnh đầu tiên mà tôi chú tâm‎ là chiếc cửa sổ: cửa mở một bên cánh! Rồi đến thời gian: hơn một giờ sáng! Là tôi ngồi ngay đó hút thuốc rồi quên đóng, hay gió bật khoen gài làm cửa mở bung không chừng, nhưng lại là cửa sổ mở và căn phòng đang trở lạnh. Tôi gài khoen, ngồi xuống chiếc ghế ngay cửa sổ, anh Khiêm cũng đến ngồi bên kia bàn nước. Mộng, Hùng và Rạng ngồi tại hai bàn học còn các chị thì bó gối trên giường, vẫn còn run.

      Mộng Hùng hỏi thêm chị Sáu về cái bóng tóc dài. Chị nói:

     - Chị không rõ lắm, nhưng Tám cũng nói là thấy cô gái đứng ở chỗ treo cây đàn nhìn qua. Còn Bảy thì nói là bên cạnh giường.

      Anh Khiêm ngước mắt nhìn bức tranh cô gái trên đầu rồi kéo ghế ngồi dưới cây đàn, nhìn bức tranh than nằm phía tường bên kia, nửa đùa nửa thật:

     - Mỗi người một vẽ, nhưng người đẹp nào cũng pha hai nét Âu, Á. Không biết ai là người phá mấy chị nhỉ?

      Chị Bảy Ngọc Ánh nói ngay:

     - Không phải đâu anh. Cái bóng này có gương mặt buồn lắm. Chắc không có ác ý. Chỉ tại mình sợ quá thôi.

      Thêm một chi tiết giống như lời Lộc kể. Nhưng tôi không nhắc đến chuyện của Lộc mà đề nghị tắt hết đèn, giữ anh Khiêm ngồi tại chỗ, ngay góc phòng bên trái, rồi về chỗ bàn học nhìn lại phía cây đàn. Ánh sáng của ngọn đèn ngủ chỉ chiếu đến cuối chân giường. Anh Khiêm chỉ còn là một bóng mờ mặc dù vẫn thấy được hình nét, nhưng không thể thấy được đôi mắt! Mọi người bàn tán hồi lâu, chủ đích là ngồi cho mấy chị đỡ sợ. Lại thêm một màn cà phê, trà cho đến khi thấy mấy chị có vẻ thấm mệt thì anh Khiêm và Rạng rút trước. Còn tôi và Mộng Hùng về phòng lấy mền qua trải dưới sàn nằm mơ màng cho đến sáng. Lạ một điều là cả nhà Bác Thiên và nhóm học sinh Adran ở ngay tầng dưới không hề hay biết gì về chuyện ồn ào đêm qua.

      Sáng thứ bảy 31-12 mấy chị từ giả để đi Nha Trang, giữa tháng giêng 1972 thì Hùng và Trí dọn vào Học Xá Trương Vĩnh Ký ngoài phố. Gác trọ đã vắng càng thêm vắng mặc dù hàng tuần vẫn là cà phê, nhạc và xập xám mua vui của "Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” với nhau, hay với bạn học từ các nhóm khác ghé qua chung vui.

      Thứ năm 19-01-1972, cả bốn tên vừa ăn cơm trở về nghỉ ngơi chờ giờ học buổi chiều. Khi Thường, Anh Khiêm và tôi đang ngồi cùng nhe nhạc, hút thuốc, thay cho giấc ngủ trưa thì Thưởng gõ cửa bước vào trên tay là một chiếc hộp nhỏ và một tấm thiệp:

     - Một bác tài Minh Trung ghé đây đưa cái này nhờ chuyển lại cho mày.

      Nhìn hai chữ Bon Anniversaire trên chiếc hộp là tôi biết của ai gởi tặng, tôi vừa mở quà vừa nói:

     - Khưu Kim Lộc tặng quà Sinh Nhựt.

      Bên trong chiếc hộp là một gói Benson & Hedges và một băng cassette thâu nhạc Pháp, Mỹ chọn lọc. Trong thiệp Sinh Nhựt, Lộc viết: " Chúc mừng mày vừa tròn 20 tuổi. Thuốc lá để thêm hứng làm thơ, còn nhạc là để nghe cho dễ ngủ. Chúc mày mau có người đẹp bằng xương bằng thịt thay vì tương tư mấy em trong tranh. PS: Gởi lời thăm mọi người từng quen biết. ”Trưa và chiều hôm đó, tôi thật vui với hạnh phúc bất ngờ, ngồi trong giảng đường mà lòng cứ bâng quơ nghĩ về con số 20 của lứa tuổi mà ai cũng cho là đẹp nhứt trên đời. Tối, sau khi ăn cơm xong, lúc về ngang cà phê Không Tên dưới dốc nhà thờ Chính Tòa, Thường và anh Khiêm mua bánh ngọt, croissant và cả cà phê đặc chế của chủ tiệm về phòng tôi cùng mừng Sinh Nhựt. Có cả Thưởng qua chung vui. Hình như đó là đêm đầu tiên mà căn gác trọ không có sự im lặng trong tiếng lật sách gạo bài. Thay vào đó là tiếng cười đùa, rộn rã, hồn nhiên cùng với tiếng nhạc khá ồn ào. Mặc dù vậy, vẫn không nghe bạn nào ở phía dưới chạy lên than phiền gì cả.

      Vui quá nên quên giờ giấc. Mãi đến khi Thưởng nói cần phải về ngủ thì cũng đã quá nửa khuya. Mọi người mới chịu dọn dẹp và ai về phòng nấy. Còn tôi thì để nguyên quần áo lăn ra giường ngủ ngay. Không biết là được bao lâu, nhưng bất chợt tôi giựt mình tỉnh giấc. Một cơn lạnh chạy dài từ chân lên đến đỉnh đầu. Tôi có cảm giác là tóc mình dựng đứng khi rõ ràng nhìn thấy một dáng người đang đứng ngay bên giường im lặng nhìn tôi. Và đôi mắt! Trọn đời tôi sẽ không bao giờ quên được đôi mắt thật buồn, thật xa xăm, thật đẹp!. Tôi muốn ngồi dậy, nhưng biết là mình còn đang nằm. Tôi muốn nói, nhưng âm thanh tắt nghẹn trong cổ. Thân tôi thật nặng nề, nhưng đầu tôi nhẹ hẫng. Mộc đè! Đúng là mộc đè! Tôi như xem một hoạt cảnh xi nê, vì tôi thấy rõ ràng mình ngồi dậy, giống như cảnh các đạo diễn muốn diễn tả cảnh hồn lìa khỏi xác! Nhưng cùng lúc đó tôi biết mình còn đang nằm nhìn gương mặt có mái tóc dài. Bộ não của tôi còn làm việc, nhưng tín hiệu không đến được tứ chi, cho nên trung khu thần kinh "chiếu phim" rồi chuyển vào bộ nhớ, đọng lại trong các tế bào để cho tôi thấy chính mình trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê. Rõ ràng là tôi không mơ, nhưng cũng chưa tỉnh. Trong lúc dằn co với chính mình, tôi thấy cô gái như nói điều gì đó mà tôi không nghe được. Tôi cố lên tiếng hỏi nhưng quai hàm cứng ngắt, chỉ ú ớ không ra lời. Rồi tôi choàng tỉnh khi cảm giác như ai đó đang lay gọi tôi...

      Hoàng Cương Thường rót cho tôi ly trà, lo lắng hỏi:

     - Ác mộng hả?

     Tôi nói không và kể lại những gì vừa trải qua. Nghe xong, Thường nói:

     - Nhờ cửa mở nên tôi nghe tiếng của ông, mới đầu tưởng là ông nói chuyện với anh Khiêm hay Rạng nhưng sau đó nghe ông mớ nên mới chạy qua lay dậy.

     - Có nghe tôi nói gì không?

     - Không. Chỉ là những âm thanh phát ra như bị nghẹt cổ. Tôi lo quá chừng.

     Tôi nói không sao, mắt liếc về phía cửa sổ: hai cánh mở toang! Thường tinh ý khép lại rồi đến ngồi bên giường, tôi chồm dậy đốt thuốc:

     - Là cổ.

     Thường biết ngay tôi muốn nói gì, nên hỏi ngay:

     - Cô nào!? "Nữ Hiệp” hay "Em Hoa Hồng”?

     - Không phải hai "Em" của ông Quang.

     Rồi tôi kể cho Thường nghe chuyện của Lộc và kết luận:

     - Có thể là vì cửa sổ mở, gió lạnh tạo cảm giác bịnh hoạn. Cũng có thể là chút sương mang hơi lạnh tạo thành ảo giác không chừng.

     - Cũng có thể là ma. Bồ không tin, nhưng nếu là tôi thì sẽ cúng và cầu cho cô gái được siêu thoát.

      Tôi im lặng mãi mê suy nghĩ để ôn lại chi tiết của trạng thái kỳ lạ vừa qua. Một lát sau Thường trở về phòng. Tôi cố ngủ lại mà không tài nào chợp mắt. Sau cùng, tôi nằm hút thuốc hút rồi đọc kinh cầu nguyện cho cô gái đến khi anh Khiêm, như thông lệ, đi gõ cửa từng phòng.

      Từ đêm đó trở đi, tôi không còn có dịp nào thấy lại cô gái. Ngay cả đêm cuối cùng, tháng 6, trước khi về Sài gòn trình diện nhập ngũ, tôi cố ý mở toang cửa sổ, để đêm chập chờn trong giấc âu lo mà cũng không thấy gì. Có thể là mùa hè. Cơn lạnh không đủ để biến sương mai thành ảo giác, hay là kinh nguyện hằng đêm đã giúp cho cô gái được siêu thoát về nơi vĩnh hằng. Có điều là tôi vẫn không bao giờ quên đôi mắt buồn đã nhìn tôi trong đêm mừng Sinh Nhựt thứ 20 của năm nào. Không bao giờ!

Huy Văn
(Đêm về sáng, thứ bảy 29-07-2006)



Ghi chú bổ sung:

- Chúa Nhựt 23-07-2006, tôi có gọi Võ Hữu Trí, Dallas, hỏi có nhớ về câu chuyện các chị Sáu, Bảy, Tám bị ma nhát hay không. Trí nói: "Nhớ chứ!"

- Thẩm Trần Khiêm đang ở Nam Cali, Trần Mộng Hùng đang là một "đại gia", Giám Đốc một Công Ty Vàng Bạc, Đá Qu‎ý gì đó ở Sài Gòn. Chắc chắn còn nhớ chuỵên thật đời người tôi vừa kể.

- Vị nào muốn có tranh đẹp hay cần người chơi nhạc thì đến 64/14 Lê Quang Định, Bình Thạnh tìm Nguyễn Tấn Quang, tức họa sĩ biếm họa Wang. Điện thoại số 803-0179.

- Khưu Kim Lộc và Hoàng Cương Thường không thấy tăm hơi từ 20 năm qua.

- Bức tranh "Cô Gái" vẫn còn cho đến năm 1987 thì thất lạc ngay khi tôi rời nước, còn "Nữ Hiệp" thì tôi tặng lại cho một bạn văn nghệ cũng tên Mộng Hùng (họ Nguyễn) nhân viên Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng, nhà ngay cạnh bến xe khách.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét