Trang

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

ĐỐNG KHÁNH NGÀY XƯA - NGY SƠN (Sơn Già)


      Thơ của bạn Sơn Già K8 chúng ta, do ngày xưa không đăng ký bản quyền nên bị nhiều người giành hoặc gán cho những tác giả khác. Như bài "Cho nhỏ ngày thi" thì được cho là của Nguyễn tất Nhiên, bài "Đồng khánh ngày xưa" thì bị cho là của... Sơn nữ Châu pha, Lưu Trần Nguyễn, Phạm sỹ Sáu, Mường Mán, Võ Đình.
        Thôi thì, của ai cũng được vì bây giờ Sơn... già yếu rồi, giành không lại!
      Mời Sơn Già và các bạn nghe bài Đồng Khánh ngày xưa, được ngâm thơ...




và được ca nhạc sĩ Cẩm Hà phổ nhạc... cho đỡ buồn!



"Ở đời muôn sự của chung,
Hơn nhau (ở chổ) của Mày, Tao đứng tên thôi!"

Thôi thì...
"Tức mua thuốc mà xức".
Hoặc về học thêm "Uất ức thần chưởng".






Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

MỘT NGÀY THẬT LẠNH! (Trọng Râu)


Các bạn thân mến,
     Đã từ lâu, lâu lắm rồi tôi mới có dịp thưởng thức một ngày thật lạnh như hôm qua, Thứ Bảy 18--1--2014. Ra khỏi nhà, cảm thấy khá lạnh nhưng nghĩ là mình còn "chẻ" nên ỷ y đi luôn, không thèm thay áo dày hơn. Kết quả là thê thảm, lạnh te tua khi ra đến khu thương mại Eden. Đây là khu đồi, nên lúc nào cũng lộng gió và lạnh hơn các nơi khác chung quanh. Thiên hạ đi sắm Tết, người bán đều co ro trong áo ấm dầy cộm, nón phủ kín đầu che luôn cả tai. Dù người thật lạnh nhưng cũng cố gắng thở và giữ hơi ấm trong cơ thể, chỉ biết thầm mong Trời Đất chia sẻ cái lạnh này cho người dân xứ Úc xa xôi. Đọc đồng hồ thấy nhiệt độ chỉ chừng 25 độ F, nhưng cái gió đã làm cái lạnh thẩm thấu đến từng phân vuông của thịt da, cứ như là không ăn mặc chi hết.

     Trên đường về, trong lúc cô hàng xóm ngồi run và than thở với cái lạnh của đất trời, tôi chợt nhớ đến cái nóng của trời Đà Lạt năm nào.

     Hôm đó là một buổi trưa sau Tết 1975, tôi lội bộ tà tà đến trường sau bữa cơm trưa trễ tràng ở tiệm Mai Hương. Hôm ấy trời thật nắng và thật nóng, tôi đi đến cuối đường Hàm Nghi, đứng lại nghỉ xả hơi, lấy sức mà leo con dốc chùa Linh Sơn để lên đường Võ Tánh. Bổng có tiếng gọi bên tai  "... anh ấy ơi, chờ em một chút...". Tôi lấy làm lạ sao lại có ai gọi mình thế kia. À thì ra có một cô nàng sinh viên cùng trường, mặt mày xanh lè, thở không ra hơi vì nắng, nhờ tôi đi kèm và đở cho qua con dốc chùa Linh Sơn này. Đây cũng là một người đẹp của Viện Đại Học Đà Lạt, tôi dĩ nhiên là cho nàng vịnh vai và cùng đi chầm chậm lên hết con dốc. Lúc đi một mình thì muốn đi thật nhanh, lần này có nàng từ đâu rơi xuống đi bên cạnh... tôi cứ mong sao cho con dốc thật dài và bất tận. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Tôi ngoắc một chiếc xe lam vừa trờ đến, nhất định không cho nàng đi bộ dưới trời nắng lên Viện.

     
     Hình ảnh nàng năm ấy, dù chỉ là đi chung một con dốc ngắn nhưng kéo dài mãi sau này. Muốn nhìn lại nàng thêm một lần nữa, nhưng không biết Trời có cho không.
 

Trọng Râu
 

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

ĐÀ LẠT, NGÀY TRỞ LẠI






Này tư tưởng có linh chăng tá
Trở về đây cho thỏa lòng chờ
Trở về cảnh cũ lối xưa
Cho cung cầm khỏi ngẫn ngơ tiếng đàn



Trước chuyến du lịch VN, tôi đồng ý không một do dự khi nàng ngỏ lời muốn tham dự cuộc họp mặt của khóa 8 CTKD. “Em dẫn anh đi, em làm chương trình, anh không phải bận tâm gì cả. Chuyến đi chơi này, không có bạn phía của anh. Chỉ có phe của em mà thôi”, nàng quả quyết như vậy. Dù đến Đà Lạt chỉ 4 lần trước 1975, thành phố hiền hòa sương mù này, nơi trời và đất có khi gần liền với nhau, trở nên rất thân thuộc trong nổi nhớ của tôi, nhất là từ khi nàng bước chân vào học phân khoa CTKD ở Viện ĐH Đà Lạt.

            Vào mùa xuân 1971, khi biết nàng là SV năm thứ Nhất và đang nội trú ở Kiêm Ái, tôi đến Đà Lạt với tư cách một cộng sự viên của Sinh Viên Vụ quay phim chụp hình cho phái đoàn SV Viện Đại Học Huế tham dự Đại Hội Thể Thao Liên Viện do ĐH Đà Lạt đứng ra tổ chức. Đến nơi, tôi trao hết đồ nghề cho một bạn khác, và trong suốt 3 ngày liên tục của Đại Hội, tôi không làm gì hơn ngoài việc tìm thăm nàng, người tôi yêu và đeo đuổi trong nhiều năm qua, từ Huế vào đến Nha Trang và nay Đà Lạt. Sáng tôi đón nàng ở Kiêm Ái, chiều đến tôi trả nàng về lại cư xá. Nàng và tôi đã đi bộ qua bao con đường quanh thị xả, cùng ngồi chuyện trò ở đồi Cù trong nắng ban mai, ngắm hồ Xuân Hương, dạo phố Hòa Bình, đưa nhau đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối… Với tôi, đó là 3 ngày hạnh phúc nhất trong quảng đời, dù ngắn ngủi, nhưng đã ghi sâu trong tim tôi những kỷ niệm đậm đà không hề phai. Ba ngày le lói bên nàng, để bù lại trên 3 năm “bonjour tristesse” khi ở nơi xa, tôi chỉ cầu mong nàng trong những “đêm mai cô đơn đi về, xin người hảy nhớ tình tôi.”

            Thế rồi do duyên tiền định, tôi tìm đến thăm nàng tại Saigon vào đầu năm 1975. Trong thời gian nàng không theo học được ở Đà Lạt vì tình hình bất ổn, tôi thực hiện chiến thuật tấn công dành dân lập ấp. Tôi dành “công”, phụ nàng biên soạn, đánh máy một tiểu luận về Chợ Đầm ở Nha Trang và một bài tham khảo về Kỷ Nghệ Tơ Lụa của Đà Nẳng & Quảng Nam. Đây cũng là một yếu tố khiến tôi cảm thấy gần gủi với chương trình học của nàng. Theo thời gian, khi nàng và tôi đã trở thành vợ chồng, tôi cảm thấy gắn bó dần với khóa 8, và xót xa khi biết khóa 8 kém may mắn và thiệt thòi nhất, một số bạn cùng khóa đã phải bỏ dở chuyện học để lên đường theo tiếng gọi của non sông, và không một bạn nào của khóa nhận lãnh văn bằng Chứng Chỉ Cử Nhân tốt nghiệp của Viện Đại Học Đà Lạt, dù biết mọi học hỏi và văn bằng không chắc đem đến sự ổn định cho cuộc sống trong xả hội mới. 

            Với ý định hâm nóng lòng tin yêu trước khi đến Đà Lạt là nơi dừng chân cuối của chuyến du lịch VN- như dành điều tốt đẹp nhất cho cuối cùng- nàng và tôi, như một cặp tình nhân, đã tìm về những nơi từng ghi dấu kỷ niệm dọc theo miền Trung, thăm những ngôi nhà từng sống qua, trường học, từng con đường quen thuộc, từng bải biển, những mộ phần gia đình hay nơi dừng quân cũ… Tại Đà Nẳng, chúng tôi đã gặp gở các bạn khóa 8 với Bích, Út, Hòa, Vũ, Hiển, Luân, và ở Huế với Trâm, Bình, Tứ, Thành, Nam. Qua những hội ngộ nhỏ này, chúng tôi hình dung được phần nào sinh hoạt và cuộc sống thực tế của các bạn cùng khóa ở trong nước. 



Khi nàng và tôi đang vui chơi ở Côn Đảo chờ ngày trở lại Đà Lạt, dọc ngang hòn đảo nhỏ trên yên xe Honda, sáng ngắm mặt trời mọc ở phương Đông, chiều lại ngồi trên ‘Đỉnh Gió Hú” chờ xem mặt trời lặng ở phương Tây, chúng tôi bổng nhận một cú ĐT của Nguyễn Như Bình với giọng nói rất lãnh lót “Bình đây, anh Chánh ơi, Bình đã đến Đà Lạt rồi… Trời lạnh lắm. Nhớ đem áo ấm đầy đủ…” “Cám ơn Bình nghe… Hẹn gặp nhau ở Đà Lạt.” Hai ngày sau, vào sáng sớm Thứ Bảy, ngày 14 tháng 12, chúng tôi có mặt tại Nhà Thờ Đức Bà ở Sàigon để cùng với tất cả các bạn khóa 8 trong vùng lên đường đi Đà Lạt tham dự ngày họp mặt 42 năm. Chị Cúc, đã quen từ lần gặp mặt ở Mỹ, và chị Thúy “Tango” vừa xuất viện, đi cùng xe với chúng tôi. Châu Bonsai, một khuôn mặt không thể thiếu trên diễn đàn K8, và chị Thúy trong BTC ngồi ở xe thứ hai.  
                     
            Sau khi chạy qua những thị trấn có những tên quen thuộc Trảng Bàng, Gia Kiệm, La Ngà, Định Quán, Bảo Lộc, Di Linh và 3 lần tạm dừng chân, đoàn xe khách dừng hẳn tại Hotel Golf 1 vào khoảng 5 giờ chiều. Những bạn đến trước ùa ra chào đón, tíu tít như một bầy chim gọi đàn. Bước khỏi xe, nàng giới thiệu liền tay các bạn Thặng, Lộc, Thượng, Tuấn (đã gặp mặt ở Mỹ), chị Chính và…Tôi nhìn thấy chị Trâm, Bình, Tứ, và Vũ. Tôi bất chợt nhìn ra Sơn, một đàn em lúc xưa cùng học trường Thiên Hựu ở Huế. 

Những tiếng kêu gọi tên nhau, những suýt xoa thích thú, những bắt tay siết chặt. Những ôm choàng thân ái, những ánh mắt tri ngộ, những tiếng cười sảng khoái. Tất cả nói lên phần nào tình cảm dạt dào, chân thật, đầy thương nhớ giữa những người bạn cùng khóa, cùng trường sau bao năm xa cách. Những người con của một thế hệ đã tan tác dưới phong ba bảo táp, bị chao đảo trong niềm tin và tan vỡ trong sự đổi mới. Lên đến phòng ngủ, tôi mở toang cả 2 cửa sổ. Một chút gió ấm và nắng vàng bổng ùa vào bên trong - ôi, gió ấm giữa tháng 12- tôi nhìn thấy đó như một ân sũng của trời đất, như một đón chào đồng lòng từ thiên nhiên trước sự nồng ấm thân thiết của tình bạn khóa 8 CTKD. Bên kia đường, trước mặt khách sạn, sân Golf nằm im lìm sau hàng rào cao, thấp thoáng trong ánh sáng nhạt màu của cuối ngày.

            Đêm Hội Ngộ vào tối Thứ Bảy đã diễn ngay tại nhà khách của Hotel trong một bầu không khí ấm cúng, tươi trẻ dù ai nấy cũng đã dày dạn phong sương với tuổi xuân tôi luyện trong đọa đày. Sự hiện diện của 139 người, trong đó có gần 60 bạn cùng khóa 8, đã nói lên sự thành công vượt bực của BTC. Qua lời giới thiệu của Đinh C. Châu, chúng tôi biết có nhiều nhóm bạn đến từ nhiều thành phố khác, nào Huế, Đà Nẳng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, rồi Saigon, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ và Đà Lạt… và từ Hải Ngoại.

            May nhờ có bản tên đeo trước ngực mỗi người, chúng tôi kêu gọi, chào nhau một cách tự nhiên. Tuy nhiên, một số ít, trong đó có nàng, vẫn cảm thấy hơi lấn cấn trước khi vào tiệc vì không nhớ hết tên bạn mình. Thật vậy, thời gian và cuộc sống với bao thăng trầm trôi nổi đã không ít thì nhiều để lại vết tích trên mỗi chúng ta, làm hình hài chúng ta thay đổi, lưng có còng hơn, tóc bạc hơn và thưa hơn, mắt mờ hơn, da nhăn hơn, răng ít hơn, miệng móm hơn, tay run hơn, bước đi khó khăn hơn, sức khỏe kém hơn, trí nhớ tồi hơn. Nhưng khi ngồi bên nhau, khi xúm xít chuyện trò, khi cùng nâng ly rượu chúc mừng hội ngộ, chúc nhau sức khỏe, khi tìm đến với nhau vì sự đoàn kết và tình thương mến đồng môn, các bạn đang cho nhau một chân tình, một chân hạnh phúc mà nơi đó không có sự xa cách, không có mặc cảm, không có sự giả dối. Một không gian hòa đồng thân ái với vui đùa hồn nhiên của những ngày xưa trẻ dại, với trân quý kỷ niệm của bao năm cùng chung một mái trường. Những nụ cười từng bị giam cầm bởi bao khó khăn cuộc đời nay được dịp hòa vang trong niềm vui chung. Những ánh mắt từng bị mờ vì bao vấn nạn nay sáng lấp lánh trong giọt nước mắt của hạnh phúc khi được gặp nhau.

             Nàng và tôi nhanh chóng hòa đồng với mọi bạn khóa 8, nhất là với nhóm Cu Đê vì ngồi gần bàn với nhau. Tôi cảm thấy xúc động và gắn bó với nhóm Cu Đê một cách tự nhiên, không những do tình huynh đệ chi binh mà vì tôi nhìn thấy được sự hân hoan đón chào chân thành và ý muốn chia xẻ vui buồn của khóa 8 đối với các bạn Cu Đê, như một bù đắp tinh thần cho sự thiếu may mắn của các bạn. Tôi nhìn thấy Bình, Sơn, Khanh, Thặng, Thượng, Châu, Tuấn, Lộc &Hoa, Chính, Cúc, Thúy…đã xữ dụng “Lăng Ba Vi Bộ” liên  tục tấp đến vui đùa, chuyện trò, cụng ly với bàn của Cu Đê. Tôi biết các bạn không say vì bia nhưng lại say tình bạn. Tôi cũng có nhiều dịp đến bàn nâng ly mừng ngày gặp mặt. Nay tôi có 2 câu thơ xin riêng tặng các bạn Cu Đê, Minh, Trí, Tuấn, Phượng, Đức, Lân, Liêm, Minh, Thanh…

“Ngữa cổ uống thời gian tan tác
 Khà một tiếng nuốt ngụm tình thân”



Tối khuya, vợ chồng Tuấn & Kim Hương thân mật mời chúng tôi lên xe đi một vòng thăm Đà Lạt vào đêm, không ngoài mục đích giúp chúng tôi tìm lại những hình ảnh thủa xưa, bên cạnh những cơ sở mới. Tuy được Tuấn chỉ dẫn tường tận, nàng vẫn khó lòng nhận ra được nhiều nơi từng quen thuộc trước đây. Trước khi về lại khách sạn, tất cả chúng tôi ghé vào uống nước tại nhà hàng nổi Thanh Thủy trên Hồ Xuân Hương, đối diện với Nhà Thủy Tạ. Nhìn ra hồ, mặt nước êm đềm lặng lờ, không một chút sương mù vấn vương, không một tiếng sóng trong lòng, hoàn toàn tĩnh lặng như người dân thành phố.


 
            Sáng sớm hôm sau, ngày Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013, chúng tôi thức dậy trước 5 giờ để cùng đi lể sớm tại nhà thờ Chánh Tòa với vợ chồng Tuấn.  Đây là lần đầu tiên có nàng cùng đi lể tại Đà Lạt, mà có lẻ trong suốt cuộc đời tôi chưa hề nghĩ đến,  tôi chợt cảm thấy thật xúc động và vô cùng ấm áp khi quỳ cạnh nàng, thầm cám ơn Chúa đã cho chúng tôi vẫn khắng khít  bên nhau dù qua bao thử thách. Tôi cũng cầu nguyện Chúa ban ơn lành cho cặp Tuấn & Kim Hương nhân kỷ niệm 37 năm đám cưới. Tôi cũng không quên xin Ơn Trên ban bình an cho các bạn khóa 8 CTKD cùng gia đình. Trên đường về lại khách sạn, nàng và tôi có dịp ngắm rạng đông trên Hồ Xuân Hương, cầu chúc nhau một ngày thật đẹp có nhiều ý nghĩa.  

            Sau điểm tâm tại khách sạn, thêm một cơ hội cho các bạn khóa 8 hò hét, vui đùa, chụp hình lưu niệm với nhau, tất cả cùng lên 2 xe bus đến thăm Đại Học Đà Lạt của mình. Tại ngay cổng trường, bầy con xa nhà lâu ngày nhào xuống khỏi xe như ong vở tổ, kẻ đứng người ngồi, kẻ ôm người bồng, tự nhiên nhích lại gần với nhau, cho một tấm hình kỷ niệm để đời, quá dễ thương, đầy ý nghĩa, bao gồm cả 3 thế hệ. 

            Từ phía cổng, đàn con túa dần vào bên trong. Lại một phen chụp với nhau trước giảng đường Spellman. Giờ đây giảng đường chỉ là một căn nhà lớn loang lổ vết thời gian, hoàn toàn hoang phế. Nhìn thấy mà lòng người bổng se lại, nao nao một nổi buồn thầm lặng, ngậm ngùi nhớ đến thời gian chen chúc bên nhau nghe giảng dạy.  

            Theo chân các bạn, nàng dẫn tôi qua các con đường nhỏ, lên đến nhà nguyện Năng Tỉnh, vẫn nguyên vẹn nằm im lìm trên đồi như một thách đố, dù cây thánh giá trên nóc nay được trùm lại bằng một ngôi sao đỏ thô kịch. Đây là nơi nhiều bạn dừng lại nói chuyện lâu hơn, chụp chung với nhau nhiều hình hơn. Không lẻ nơi đây lại là chốn gặp gở hồi xa xưa ấy của những nàng và những chàng khi tan lể để cùng đưa nhau đi ăn sáng, uống cà phê? 



Riêng tôi, tôi muốn xuống dốc nhỏ bên phải của nhà thờ, bước đến thăm cư xá Kiêm Ái. Nhưng nàng không cho, đoán chừng căn nhà tiền chế đó phải đổ nát lắm, nhìn làm chi cho thêm đau lòng !? Thế rồi chúng tôi rẻ về phía trái, bước đến thăm Thư Viện, nay thật tàn tạ, xấu xa, khô cằn với đất sỏi, cỏ úa xung quanh thay vì bông hoa và thảm cỏ xanh mướt của dạo nào. Bước qua vài bước về bên trái của Thư Viện, chiếc cầu Nhật Bản màu đỏ vẫn còn đó, che khuất bởi những lùm cây hoang dại, không một bóng người qua lại, tội nghiệp, cũ kỷ, cô đơn trong đợi chờ.  

Rời Đại Học Đà lạt, xe bus chạy về hướng Suối Vàng, đưa đoàn đến tham quan Làng Cù Lần. Đây là một nơi hoang dã, khá rộng, có đồi cao thấp, con đường lên xuống quanh co, hoa tươi cỏ lạ, có ao hồ nước chảy, có cầu treo lắc leo bắc ngang suối to nhỏ và thung lũng, có chợ Chổm Hổm, có những căn nhà sàn, và lẻ đương nhiên có những…con Cù Lần trốn núp trong các khóm lá. Đây là một cuộc du ngoạn độc đáo với đa số chọn đi bằng chân để vui hưởng cảnh đẹp thiên nhiên và thiểu số ngồi trên xe jeep mang đồ ăn uống phục vụ cho cả trăm người. Buổi ăn trưa dã ngoại bao gồm các món thịt nướng tại chổ, kể cả cơm nướng trong ống tre.Những tiếng Dzô gọi uống mừng nhau vang lên từ bàn này qua bàn nọ. Người thì quạt lò than, kẻ thì gắp đồ ăn cho bạn. Người thì mở bia đổ vào ly cho nhau. Kẻ thì cầm ly bia đến từng bàn cụng với chai nước suối. Nhìn các bạn ăn uống vui cười, trò chuyện mật thiết, tôi cũng vui lây với niềm vui chung và hãnh diện trước sự đoàn kết thắm thiết của khóa 8 CTKD

Trên 3 giờ chiều, mọi người được chở về lại khách sạn để sẳn sàng cho đêm Gala vào tối. Đa số có mặt bên ngoài sân, chuyện trò hể hả trước khi bước vào phòng tiệc. Châu Bonsai, Tuấn, Khanh và Cúc là những bạn trong BTC có đôi lời ngắn gọn nhưng thật đầy đủ, dễ dàng tạo nên niềm thông cảm vững mạnh với toàn thể anh chị em hiện diện. Nhóm bạn sinh năm 1953, đúng 60 tuổi đời, được tặng hoa và chụp với nhau một tấm hình kỷ niệm. 
     
Dù là Rể, tôi vô cùng xúc động khi được mời lên chụp chung một tấm hình lưu niệm với các bạn khóa 8 có cùng sinh nhật trong tháng 12.  



Thức ăn Buffet bên trong phòng vừa ngon miệng vừa tươi mát, trong khi bên ngoài rất nhiều đồ biển nướng bốc mùi thơm được đem dần vào sau. Thức uống đặc biệt với rượu vang có hương vị tao nhã, dễ uống vì nồng độ không quá cao, nên càng uống càng dễ mềm môi. Mục văn nghệ, xổ số, nhảy đầm diễn ra rất ngoạn mục và lôi cuốn, dưới sự điều khiển của MC Tuấn. Một bravo đặc biệt tặng chị Gái, (nhân vật mà dù tuổi thọ lên cao đến bao nhiêu cũng vẫn được gọi là “Cô Gái), thật xuất sắc khi hát liên khúc từ tân nhạc với nhạc Việt, Tàu…qua đến cải lương, ngâm thơ, khiến cả hội trường vổ tay khen thưởng tới tấp. Một bravo thứ hai xin gởi đến nhạc mẫu của Thặng với một bản ca cải lương ý nghĩa. Khi ngồi xem các món quà được người trúng giải mở ra, tôi thầm tiếc mình chẳng trúng được tấm hình rất nghệ thuật của Bảo Bườn,  

Trong cùng buổi tối, tôi có đến thăm hỏi Thầy Phan Hoàng Quý. Qua một vài phút đầu tiên, không ngờThầy và tôi có cùng nhiều người quen chung, và do Thầy có học ở ĐH Huế trong thập niên 60, chúng tôi càng có thêm những liên hệ khá mật thiết. Biết câu chuyện dài còn rất nhiều thú vị, Thầy và tôi cùng hẹn tiếp tục vào ngày mai, trên đường về lại Saigon.
          
          Sáng hôm sau, trước khi đến chợ Hòa Bình mua sắm chút quà kỷ niệm với đoàn, chúng tôi đến thăm trang trại của anh chị Liêm ở “Dốc Nhà Thờ Nghèo”,  cách thị xả không quá 7 cây số. Chúng tôi thật nghẹn ngào và rưng rưng nước mắt khi anh thuật lại cuộc đời muôn ngàn khó khăn của anh trong gần 3 thập niên qua, một câu chuyện bi hùng tráng của một bạch diện thư sinh bổng trong phút chốc đổi đời trở thành nông dân có đầu óc, lam lũ đầu tắt mặt tối mà vẫn không nuôi được mình và gia đình. Một câu chuyện của mồ hôi và nước mắt, của quả cảm dấn thân và của thách đố nghị lực!. Quá thật, quá phũ phàng, quá đớn đau! Trước khi ra về, chúng tôi có chung vui với anh khi biết nay anh có phần thư thả hơn xưa và cầu chúc anh giữ gìn sức khỏe để tiếp tục trồng các cây giống hoa, một nông sản mới của anh.


Các bạn khóa 8 CTKD thân mến, tôi xin gởi đến quý bạn những lời cầu chúc cho tình bạn khóa 8 luôn sống mãi trong lòng các bạn. Đậm đà theo thời gian, khắn khít trong niềm tin. Xin các bạn hãy luôn cùng nhau ngồi sát lại, san sẽ niềm vui, cho nhau lòng nhân ái, đến với nhau trong chân tình. Để tình bạn cứ mãi tô thắm đời cho nhau. Dù trong hoàn cảnh nào. Trong trắc trở hay thăng hoa. Trong vinh quang hay tủi nhục.

Tôi không quên cám ơn BTC đã tạo cơ hội cho chuyến về thăm lại Đà Lạt của chúng tôi có thêm nhiều ý nghĩa.

Hoan hô Ban Liên Lạc đã tìm ra được nhiều bạn trước đây tuyệt tích giang hồ.

Cám ơn các bạn thuộc nhóm Cu Đê dành nhiều tình cảm cho tôi

Cám ơn Nguyễn Như Bình đã làm chúng tôi hướng thượng khi dẫn chúng tôi vãng cảnh Huyền Không Sơn Thượng và Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã ở Huế. Chúng tôi sẽ khó lòng quên được bửa ăn sáng chổm hổm với cháo gạo đỏ và cá kho quẹt ở chợ Bến Ngự với các bạn

Cám ơn anh Liêm đã chia xẻ những khổ đau trong cuộc đời mình

Cám ơn vợ chồng Tuấn & Kim Hương với màn xé lẻ trong đêm khuya và sáng tinh sương.

Cám ơn chị Chính với cái ôm choàng ấm áp cho nàng và Bảo Bườn với tấm hình chụp 2 đứa, ngay trước khi chúng tôi lên xe từ giả Đà Lạt.

Cám ơn Thầy Phan Hoàng Quý đã tặng bộ sách chữ Nho của người Thầy chung Đào Mông Nam của chúng ta. Cám ơn Thầy về những hiểu biết sâu rộng của con người trong thời cuộc và những nhận định sáng suốt. 

Cám ơn Thặng đã chụp cho nàng và tôi một tấm hình “the best of the year”.



Cám ơn Đạo Diễn Ngọc Hiệp, một đàn em cao ráo, đẹp trai của CTKD, luôn bám sát đoàn vừa quay phim, chụp hình rất Pro, vừa nói chuyện lịch thiệp, nhã nhặn rất có duyên. DVD và những hình ảnh đẹp anh đã chụp là một đóng góp lớn cho sư thành công của Đại Hội K 8.

Cám ơn tất cả các bạn khóa 8 CTKD có mặt trong trong Ngày Kỷ Niệm 42 năm đã cho chúng tôi niềm vui hạnh ngộ.

Thân mến chào tạm biệt tất cả các bạn. Mến chúc các bạn và gia đình một năm mới nhiều vui mạnh và hạnh phúc.

Xin hẹn tái ngộ với các bạn khóa 8 CTKD vào năm 2015, với mong ước sẽ còn gặp thêm nhiều khuôn mặt mới hơn năm nay.

Trước khi chấm dứt, xin sao chép mến tặng các bạn khóa 8 CTKD vài câu đầu của bản nhạc TÌNH BẠN, do BS. Hoàng Thế Định, đàn anh của tôi, sáng tác trong tháng 8, 2013 

Một ngày vui,                                                                    
ngày ngập nắng tươi với hoa nở rộ
Bạn với tôi, gặp gỡ nhau ở nơi nầy,
Đẹp biết bao,                                                                                             
tình bạn chúng ta vẫn như hôm nào,
Mặc cho thế sự vần xoay,                                                   
ta luôn bên nhau bạn và tôi.
Thời gian có làm đổi thay hình hài,
Đường xa cách dù có muôn nghìn trùng,
gặp lại nhau kể chuyện đời đã qua….

Thân mến,
Vĩnh Chánh, Rể khóa 8 CTKD
 Ngày 12 tháng 1, 2014

Sau đây là phần viết của cô hàng xóm: 

            Mấy mươi năm qua, vận mạng đất nước và định mệnh đã xô đẩy cuộc đời con người đến những bến bờ khác nhau, với quá nhiều thay đổi.

Bạn bè cùng khóa từ thủa nam thanh nữ tú của hơn 40 năm về trước, nay đã xấp xỉ trên tuổi lục tuần. Đôi khi không còn nhớ rỏ mặt, tên!

Nay có cơ hội được gặp lại, chỉ trong khoảnh khắc ngắn, đã kéo lùi lại quá khứ. Mường tượng ra những khuôn mặt quen thuộc, những tên gọi thân thiết tự bao lâu. Rồi tự nhiên hòa nhập, cởi mở, thoải mái bên nhau, không biên giới cách biệt, như vẫn đi lại gặp gở nhau hằng ngày. Thật là những cảm xúc kỳ diệu!

Có những bạn nét mặt ghi hằn dấu thử thách, đau thương của cuộc sống, nhưng không vì vậy mà mặc cảm, xa lánh bạn bè; cho thấy đối với chúng ta, trường xưa, bạn cũ vẫn là một cái gì đẹp đẽ, quý báu và mạnh mẻ hơn nhiều giá trị khác qua trải nghiệm trong đời.

“ Một Ngày Thụ Nhân. Một Đời Thụ Nhân”

Xin trân trọng ghi nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành đối với tất cả các bạn đã đóng góp công, của, nhiệt tình trong việc tổ chức Đại Hội cho khóa 8 CTKD cuối năm 2013 tại Đà Lạt.

Quãng đường còn lại trước mắt sẽ ngắn dần. Thời gian qua đi không bao giờ trở lại. Hãy sống như không có gì để nuối tiếc.  

Hẹn gặp tất cả chúng ta tại Đà Lạt cho ĐH 2015 trong 2 năm tới.

Thân mến,
Phan Minh Châu
 




Nhạc phẩm TÌNH BẠN của BS Hoàng thế Định.