Trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

MỪNG NGÀY THẦY THUỐC 27-2-2014




     Anh em chúng tôi được sinh ra trong gian nhà gỗ thơm mùi cây cỏ, cái mùi mà mấy mươi năm đi xa vẫn không cách gì quên được. Cũng hơi khó tả một chút vì cũng không biết chính xác đó là mùi của loại cây nào, nên cả bọn gọi chung chung bằng một cái tên mỗi khi nhớ nhà: “mùi nhà mình”. Từ hồi nhỏ tí, chúng tôi đã quen với việc cha mẹ mỗi người vác một cái gùi tre đan mỗi ngày đều đi núi hái thuốc, bằm chặt phơi sao khắp gian trước gian sau, mỗi lần gió thổi, thuốc bay tứ tung và khi rơi xuống đất là thành... rác. Ám ảnh với lời mẹ dặn trước khi ra khỏi nhà: "Nhớ quét nhà nghe con, trời mưa nhớ mang thuốc vô nghe con, nắng ra đảo thuốc nghe con”. Thiệt tình mà nói, lúc đó tôi chẳng hiểu được mấy nong thuốc đó là công sức của cha mẹ, là mưu sinh của cả nhà, chỉ thấy mệt muốn xỉu (chưa bao giờ xỉu cả, ưng rên vậy thôi). Tôi chỉ thích xem ba lấy thuốc cho khách, nhúm nhúm loại này loại nọ xoẹt xoẹt xoẹt là  xong. Chẳng hiểu sao mấy cái cây thường thường mọc khắp nơi sau núi, chẳng ai thèm đụng đến, trừ nhà tôi lại làm cho người ta có thể rối rít mừng và cảm ơn ba tôi đến vậy. Ba đi làm trạm xá, mẹ đi dạy, trưa khách đến ngồi chật nhà đợi, mà người  nào cũng nghèo lam lũ, nhưng họ vẫn hay tặng quà để cảm ơn ba mẹ tôi, khi thỏi đường tán thơm lừng, khi con gà, rau củ bắp khoai, bột chuối bột mì mùa nào thức nấy, tôi ngồi sau nhà dán tai vào vách nghe lóm, mắt to hó nhìn qua khe cửa, thích chí đợi đến khi khách  về sẽ được lên xem quà và được ăn ngon. Cảm giác thất vọng não nề khi ba tôi xua tay từ chối, bảo bệnh nhân mang quà về hoặc quá lắm thì chỉ nhận một phần nhỏ lấy lệ. Tôi giận ba đến phát khóc, giận đến không buồn nói chuyện gì thêm với ba nữa, mặt chù ù một cục sưng sỉa, không biết lúc đó ba có biết tôi giận không mà mặt tỉnh queo bảo hai anh em ăn cơm rồi đi học, cười cười nói nói như không có chuyện gì.
      
     Cũng may sao hồi đó ba mẹ không vì thái độ của tôi mà làm khác đi…

     Ba mẹ có rất nhiều bạn thâm tình chí cốt, và trong những cơn biến cố khó khăn của gia đình tôi luôn nhìn thấy có mặt họ, cho đến giờ này vẫn thế. Ba mẹ có nhiều con nuôi, con đỡ đầu, dễ chừng phải hơn 20 đứa, có người được bạn ba tôi đặt theo tên ba là Ý Khôi, cái tên lạ lùng hết sức, mỗi năm nhà Ý Khôi luôn tặng ba tôi cặp bánh chưng chay, tính năm tuổi của cô bé, dễ chừng cũng hơn 20 năm đều đặn. Có người sinh con ra, gọi ba tôi là bố và gọi ba ruột là chú, có lẽ “bán” cho ba mẹ tôi cho nó dễ nuôi. Sau này, khi ba tôi già đi thì người ta sinh con ra lại cho gọi ba mẹ tôi là ông bà nội, ông bà ngoại. Điều này làm tôi thấy vui, thấy mình có nhiều anh em bà con thân thích. Sau này dời nhà từ cây số hai ra thị trấn Dran, không bảng hiệu, không tủ kệ trưng bày, nhưng bà con vẫn đến mỗi ngày với tất cả các loại đau nhức từ trẻ con đến người già. Và trong đôi mắt trẻ con của tôi, ba tôi mát tay như một ông Tiên, và ông Tiên đó có mẹ tôi đứng cạnh, lo toan, chắt bóp và tiết kiệm đến mức không thể hơn được nữa.

     Anh em chúng tôi đã lớn lên trong tình yêu thương và sự nỗ lực đến tận cùng của cha mẹ, sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm, đến tận bây giờ, mấy anh em ở xa lơ xa lắc, xóm làng vẫn yêu mến và bảo bọc cả gia đình chúng tôi. Chúng tôi lớn lên trong sự may mắn, hanh thông và khỏe mạnh, đi đến đâu cũng được giúp đỡ tận tình. Chúng tôi biết không phải tại mình giỏi. Chúng tôi biết mình gặp may, và may nhất là được làm con của ba mẹ, được hưởng phúc nhà.

     Lớn, mấy anh em đi học Tây y hết, không có đứa nào nối nghiệp làm thầy lang. Anh Hai làm hồi sức cấp cứu gần chục năm, chạnh lòng khi nghe anh Hai kể mất ngủ ba ngày với cảm giác bất lực và hữu hạn khi nhìn bệnh nhân đầu tiên nhắm mắt ra đi trên tay mình mà không thể làm gì khác, với những đêm thức trắng nghiên cứu tài liệu tìm phương án điều trị… tôi nghĩ đến ông bà nội, đến cha mẹ, đến cả nhà,  đến  dòng sông và con nước chảy xuôi…

      Tôi nghĩ đến người phụ nữ đứng sau người thầy thuốc, họ âm thầm lặng lẽ, nhưng là điểm tựa vững chắc cho người đàn ông chăm lo cho người khác, cái vất vả cực nhọc của cuộc sống gia đình, cả áp lực công việc, đặt cả trên vai người nội tướng. Nếu mẹ tôi không chấp nhận sống tằn tiện với  nhà mình không có tivi, nhà mình dột, nhà mình chật, nhà mình cũ xì không sơn phết, nhà mình cả tháng chưa đi chợ một lần, nhà mình mấy chục năm chẳng sắm sửa đồ mới  thì có thể mấy anh em không thể nào học đến nơi đến chốn thành tài, và ba tôi cũng chẳng thể nào có thể hào phóng trọn vẹn với bà con lối xóm được. Tôi nghĩ đến chị Hai cũng đang bước trên con đường mẹ tôi đi qua, cũng sẽ nhiều nỗi lo toan vất vả không nói được thành lời… để hỗ trợ anh Hai những  bước đi vững chãi.

 
     Ngày mai là  27.2, ngày thầy thuốc, dành trọn lòng biết ơn của mình đến những hậu phương của người thầy thuốc, và những người thầy ngày đêm không quản khó khăn cực nhọc để hoàn thành trọng trách thiêng liêng. 


Phan diệu Linh
February 26, 2014 at 2:11am











  

1 nhận xét:

  1. Tặng bạn Phan Khôi và gia đình 1000 like !
    Hồ Say Hếnh

    Trả lờiXóa