Trang

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Trưa Hòa Đa nhớ nắng Lâm Viên


Huy Văn
    

Hai dãy nhà buồn thiu, nhìn nhau thầm lặng. Nắng từ trên dọi xuống, từ dưới đường nhựa hất lên. Nắng ngời ngời trên vòm cây, xăm xoi qua kẽ lá. Nắng khô khốc, nhợt nhạt như màu cát trong vùng đất một thời là Chiêm quốc lẫy lừng.
     Trời đứng gió. Nóng càng thêm nóng. Cả toán 20 tên rải dài hai bên quốc lộ. Trung Đội nghĩa quân cùng phối hợp công tác đã biến về đâu không biết. Thiếu úy Đồng, ban 5 Chi Khu cũng đã chộp xe hàng để quá giang về Quận tìm phương tiện. Chỉ còn lại mấy “ quai chảo “ tương lai của Quân Đội nằm, ngồi rải rác dưới những bóng mát ven đường, hay trước thềm của những ngôi nhà vắng chủ.
Thỉnh thoảng có vài tiếng xe chạy ngang qua, át hẳn tiếng đàn nhè nhẹ và giọng hát êm êm của Nguyễn Duy Tân. Cây đàn mượn của người chủ Câu Lạc Bộ trong quận đường là vật bất ly thân của anh bạn răng khểnh mà chúng tôi đặt cho biệt danh “ Công Tử cao nguyên “ khi cùng học chung trường trên Đàlạt.Từ lúc mượn được cây đàn là anh chàng hầu như ôm nó suốt ngày, nhưng cũng nhờ vậy mà đi đâu cũng thu hút được khán giả nhờ những màn hát nhạc cộng đồng của cả toán công tác.
- Đói rã ruột mà cứ đòi theo Lê Uyên- Phương “ xuống phố trưa nay“!
Có tiếng ai đó làm bộ càu nhàu, rồi tiếp theo là những giọng cười thông cảm khi Duy Tân nhà ta tỉnh bơ tăng thêm chút cường độ cho …” Ngón tay Em dài. Tiếng yêu không lời…”
- Cứ để cho nó hát. Tao cần nghe nhạc cho quên đói.
Ngô Quốc Thắng pha trò trong tiếng khúc khích đâu đây. Phía bên kia đường cũng có tiếng lao xao rồi vài người kéo qua ngồi chung quanh gốc táo, nơi Duy Tân đang dựa lưng, lim dim đàn, hát. Nếu không có súng ống, không có quân phục thì chẳng khác gì một buổi picnic hay cắm trại của thanh niên trong một ngày cuối tuần. Không khí đang buồn tẻ bỗng dưng sinh động hẵn lên khi có lời yêu cầu hát nhạc cộng đồng rồi nhạc lính và chỉ một lúc sau là hầu như ai nấy cũng đều có mặt bên gốc táo già để cùng với Lâm Hoài Nam bắt giọng ngâm nga vài bài ca Hướng Đạo.
Còn hắn thì ngồi tựa vào vách của căn nhà bỏ hoang, im lặng hút thuốc, tâm trí như thả vào lời ca tiếng nhạc dã chiến của bạn bè, đồng môn, và cũng là đồng đội quân trường. Rất may là có chiến dịch giải thích Hòa Đàm và Hiệp Định Paris nên những tên lính sữa như hắn mới có dịp thoát ra khỏi kỷ luật thép của quân trường. Vui được lúc nào hay lúc đó. Bỗng dưng hắn cảm thấy xa lạ với hoàn cảnh và sinh hoạt của đời sống dân sự . Có lẽ là một thứ mặc cảm được ngụy trang bằng màu áo lính. Cũng có thể là một sự cam phận có pha chút đắng cay khi nhìn thấy mình không còn có quyền gì trong những tháng ngày sắp tới. Mọi thứ đều được đóng khung hay bị ràng buộc bởi thói quen trong khuôn phép và kỷ luật. Những người như hắn đã dần dà trở thành những cỗ máy sống theo bản năng để tự vệ và sinh tồn. Bỗng nhiên tiếng đàn ngưng bặt và có tiếng Duy Tân chép miệng thở dài:
-Không biết giờ này họ đang làm gì nhỉ?
Cả đám ngẩn ngơ, hụt hẫng. Đa số các bạn không hiểu Tân nói gì nhưng hắn và nhóm “ gian thương “- biệt danh ai đó đã gọi các “ Đại Học Sĩ “ của Trường Chánh Trị Kinh Doanh- thì biết rõ là Duy Tân đang nghĩ đến Đà Lạt, đúng hơn là các giảng đường và khuôn viên của Viện Đại Học. Câu hỏi đưa hắn trở về đúng 52 tuần trước đây, với những kỷ niệm mà hình ảnh vẫn rõ nét như mới vừa xảy ra hôm qua, hôm kia. Cũng là một ngày thứ bảy đẹp trời như hôm nay. Thứ bảy đầu tiên có thuyết trình tập thể mà gương mặt nổi bật nhứt là một mái tóc dài Hà Nội tên Bùi Thị Giang. Là ngày cả nhóm hội học của hắn kéo lên bịnh viện toàn khoa thăm tên bạn cùng phòng trọ bị trúng thực phải nhờ Cảnh Sát chở đi cấp cứu đêm trước.
Thứ bảy! Ngày quán cơm xã hội đóng cửa nên sinh viên nghèo ăn tạm mì gói buổi trưa rồi lặn luôn mấy giờ học buổi chiều để lòng vòng dưới phố hay kéo nhau đi thăm các thắng cảnh chung quanh thị xã. Ngày dạo phố cuối tuần của các màu áo quân trường trên cao nguyên. Ngày của Đà Lạt rộn ràng đón chào khách nhàn du đi thưởng ngoạn bên hồ, dạo phố Hòa Bình hay mua sắm dưới chợ hoa.
- Ê Huy! Ngô Quốc Thắng bất chợt gọi hắn. Mày hay dòm ngó mấy cái vòng cao độ trên bản đồ nên chắc phải biết Đà Lạt nằm hướng nào phải không?
- Hỏi Lâm Hoài Nam đi! Tao không rành địa hình.
Hắn uể oải trả lời, rủa thầm tên bạn mắc dịch đã đưa hắn ra khỏi vùng trời kỷ niệm.
- Di Linh nằm ở hướng bắc tây bắc của Phan Thiết. Tôi nghĩ là Đà Lạt nằm ngang với quận Hòa Đa, về hướng này.
Hắn nhìn theo ngón tay Nam chỉ qua bên kia vườn táo của xã Lâm Lộc, hướng về dãy núi trùng điệp phía xa xa, lòng lại chìm vào khúc phim dĩ vãng vừa đứt đoạn. Mấy tháng quân trường chưa đủ biến gã thư sinh thành lính thú. Hắn vẫn thấy lại mình của những ngày hội học dễ thương. Những nắng sớm, sương chiều, mây nhạt, trời trong, núi đồi trùng điệp, cùng với những cơn mưa nhè nhẹ,ray rứt.  Nói chung là những hình ảnh của Đà Lạt mộng mơ vẫn còn đầy ắp và rất rõ nét trong lòng.
Duy Tân có gốc trên Đà Lạt nên nhớ về “ Họ “ là chuyện bình thường. Còn hắn, dân SàiGòn chánh hiệu, cũng nhớ quay quắt về vùng trời Lâm Viên đó. Vì thời trọ học huy hoàng, vì nét trữ tình của khung cảnh nên thơ hay…vì nàng?! Cũng có thể là vì tất cả. Sức thu hút của Đà Lạt thật mãnh liệt làm sao! Đám bạn kiêm đồng đội quân trường chỉ nghe Lâm Hoài Nam kể về chuyến du lịch ( và không hẹn mà lại gặp hắn trên Hòa Bình cách nay đã gần hai năm), rồi cả mấy tên cựu sinh viên kể lể chuyện hội học, họp nhóm cùng với những tiêu biểu của Đà Lạt Văn Hóa, là đã mê tơi và cứ luôn miệng trầm trồ : “ Đẹp như vậy thiệt sao!? “.
- Cho nghe Mộng Chiều Xuân đi Tân .
Hình như là tiếng của Ngô Quốc Thắng từ hàng ba nhà kế cận nói với qua bên này. Trúng bài tủ của nó rồi! Hắn thầm nghĩ. Vậy là có quyền ôm bụng đói nằm nghe Nhạc yêu cầu. Hắn vừa lẩm bẩm vừa xoài người nằm xuống nền đất rắn. Chiếc “ bê rê “ màu xanh nước biển úp lên mặt cho đỡ chói nắng. Bóng mát của hàng hiên làm dịu màu nắng gắt và làm hắn lim dim thả hồn tưởng tượng như đang nằm nghe những rặng thông xanh trên sân Cù hay trong khuôn viên Viện Đại Học thì thào trỗi hòa tấu khúc .
Hắn thấy lại những trưa cuối tuần ngập nắng như hôm nay, thấy mình trở lại thời lảng đảng giữa khung trời đại học. Ngày đầu tiên, ngồi trong đại giảng đường, nghe ông thầy Khoa Trưởng gọi sinh viên là “ Đại Học Sĩ “ là hắn thấy hạnh phúc rộn ràng, không cần biết là ông chơi chữ hay chỉ là cách gọi để học trò mình có ý thức hơn trong việc trau dồi đức dục hay phẩm hạnh.
Hắn lại thấy mình nhởn nhơ khắp chốn, nhứt là sau khi ba hắn mang chiếc Suzuki lên cho hắn làm chân để khỏi phải tốn tiền xe lam mỗi ngày hai bận, hoặc tốn tiền cà phê ở quán Hoài trên Võ Tánh chờ giờ trở lại giảng đường cho lớp học buổi chiều. Chiếc xe mang hắn theo các bạn thăm chỗ này, ghé chỗ kia, hầu như tuần nào cũng picnic, cũng lạng tới lạng lui những thắng cảnh Đà Lạt. Chiếc xe đôi khi cũng là phương tiện giúp hắn làm quen với nhiều người, nhứt là với nàng, khi tình nguyện làm tài xế mỗi lần có ai cần quá giang về phố hay lên Viện Đại Học. Hắn bỗng nhớ nàng, nhớ lần đầu ngồi kế bên nhau trong giờ Thông Đạt. Lần đó hắn rất muốn mở lời nhưng ngại ngùng khi thấy nàng im lặng và không có phản ứng gì dù anh Phụ Khảo giảng bài rất có duyên và cả lớp đã có những tràng cười thoải mái. Ngay lúc đó, hắn trở về bản tánh cố hữu là thường hay rụt rè, không biết phải mở lời ra sao để tạo sự chú y’ nơi nàng.
“ Dân trường tây mà sao cù lần quá vậy ! “ Thằng bạn cùng lớp từ thời Trung Học đã nói với hắn như thế. Nhưng chưa kịp nhờ anh chàng giúp kế thì Kim Lộc nhà ta đã bỏ Chánh Trị Kinh Doanh để về SàiGòn ghi danh học Luật, vừa gần nhà, đỡ tốn kém, lại vừa có thể canh chừng em bé của anh chàng. Ký   ức đưa hắn trở về những lần họp nhóm Anh Văn, là những cơ hội để hắn được thân cận với nàng. Hắn không khá sinh ngữ, thường hồi hộp vì sợ bị gọi tên nên ngồi nghe nhiều hơn nói, nhưng vì nàng nên góp mặt rất đều đặn, lại còn tình nguyện lo phần giải khát cho gần 20 người. Một hôm, khi chờ mọi người đến, hắn mượn cây đàn của anh bạn trưởng nhóm, ra một góc ngồi ngân nga vài bài hát phản chiến mà quân nhân đồng minh thường hay thích nghe. Khi buông đàn thì nghe vài tiếng vỗ tay, và nàng đã ngồi ngay sau lưng lúc nào không biết. Ai cũng khen hay, còn nàng thì từ hôm đó trở đi là cứ bắt hắn hát cho nghe những bản nhạc ngoại quốc thời danh.
Nhờ vậy mà hắn trở nên dạn dĩ hơn một chút, tự tin hơn một chút trong những lần gặp mặt sau đó. Câu chuyện trao đổi từ bài vở đã chuyển sang âm nhạc, thơ văn, và đôi khi cũng có vài quan niệm tình cảm. Nhưng đã quá muộn để có cơ hội “ đầu tư “ vì hắn bị gọi trình diện nhập ngũ theo luật Tổng Động Viên. Cho đến sau ngày thi cuối khóa, khi hẹn nhau dưới phố, hắn cũng không có được một câu bày tỏ tâm sự. Đêm đó hắn thức cho tới sáng, nắn nót dòng nhật ký để kỷ niệm một mùa trọ học và cũng để nhớ mái tóc dài cùng hắn chung đôi lần đầu nhưng cũng là lần duy nhứt.
( ảnh minh họa)   

Hình ảnh của nàng chợt ẩn hiện trong đầu khi hắn sực nhớ lá thư của nàng gởi và hắn vừa nhận đuợc ngay trước khi có lệnh lên đường công tác chiến tranh chính trị. Lá thư đầu tiên nàng viết cho hắn theo địa chỉ của quân trường, trong đó lời lẽ cũng không khác gì như lúc còn học chung với nhau: vừa phải trong biểu hiện tình cảm và hầu như chỉ nói về niên học mới của cả Viện Đại Học Đà Lạt…
“ - Nghe Huy nói đi chuyến xe sớm nhất nên ra đây chờ. Không dè…
- Thức cả đêm nên dậy trễ. Nhưng còn anh…
- Mấy ông xỉn nên đang ngủ nướng. Ngọc phụ chị Nga dọn hàng rồi ra bến xe tìm Huy.
- Đâu cần Ngọc phải nhọc lòng như vậy!
- Sao lại không!? Mình chưa nói được chi nhiều kia mà!
- Đành là vậy. Nhưng Ngọc đã có anh Phước…
- Không đúng hẵn! Ngọc chưa thật sự cảm nhận tình yêu của anh Phước, nhưng với Huy thì..
- Huy làm sao bì được với anh Phước. Ảnh…
- Sao yếm thế quá vậy! Huy phải mạnh bạo lên mới được. Yêu thì cứ nói là yêu. Cứ như vậy thì ai biết được lòng của mình ra sao .
- Ngọc làm Huy ngạc nhiên quá. Vậy còn Ngọc thì sao. Có…
- Không có cảm tình với Huy thì ra đây tìm và chờ Huy cả giờ đồng hồ để làm gì chứ!
- Nhưng Huy vẫn chưa hiểu, vì mới hôm qua Ngọc vẫn còn kín đáo lắm.
- Thì phải vậy chứ sao! Không lẽ cho anh Phước hay hai đứa bạn của Ngọc biết à?!
- Hôm nay Ngọc lạ quá!.
- Lạ chỗ nào?
- Bình thường thì Ngọc trầm lắm. Rất hiếm khi thoải mái như bây giờ.
- Bây giờ thì bạo miệng quá phải không!?
- Ờ thì…
- Hôm qua và hôm nay khác nhau xa.
- Vậy Huy hỏi thật. Ngọc có …
- Trời ơi! Sao mà hiền quá vậy! Người ta đã mở hết lời, hết ý ‎mà vẫn chưa hiểu gì hay sao!?
- Không phải! Huy chỉ muốn…
- Muốn gì mới được.
- Muốn hôn một cái cho đã!
- Không được! Đừng nha…Đừng! Huy!Huy!...”
Hắn giật mình, choàng tỉnh. Không phải nàng mà là gương mặt của Lâm Hoài Nam đang lay gọi hắn.
- Đói bụng mà cũng “ phê ” được sao!?
Nam vừa hỏi vừa nắm tay hắn lôi dậy.
- Còn cười cười và láp nháp cái gì nữa đấy. Một bạn khác tiếp lời. Ê Huy! Chiếu phim lại cho tụi này nghe đi! Mơ thấy người đẹp nào vậy!?
Hắn phủi lớp bụi đất trên quần áo, làm bộ nhăn nhó:
- Chưa kịp tay tay, chưn chưn thì bị lôi đầu dậy rồi. Có gì để mà kể chứ!
- Thôi! Xe tới rồi kìa. Lo lên xe mau.
Lâm Hoài Nam thúc dục cả đám.
Chiếc xe Dodge quay đầu trở về hướng quận Hòa Đa. Hắn ngồi im lặng nhìn rặng núi xa xa, cố nhớ lại giấc mơ ngắn ngủi nhưng dễ thương vừa qua. Những ước mơ thầm kín bị dồn nén. Một hiện thực không bao giờ xảy đến trong đời nên đã âm thầm thẩm thấu vào tận cùng tâm não để từ đó biểu hiện qua mơ mộng viễn vông. Chút hình ảnh trong mơ đủ làm hắn bồi hồi nhớ về Đà Lạt rồi dàu dàu nhìn lại hoàn cảnh sống trong thực tại. Bằng một hành động gần như vô thức, hắn quay sang Nguyễn Duy Tân và lập lại đúng câu hỏi của Tân khi nãy:
- Giờ này họ đang làm gì nhỉ?!
Không có câu trả lời. Chỉ có tiếng gió rít hòa với những tiếng động quen thuộc của xe chạy trên đường. Nắng vẫn gay gắt, đổ lửa, nhưng trong hắn vừa nhen nhúm chút hạnh phúc mát lòng khi nhìn lại được mái tóc dài của khung trời kỷ niệm. Dù chỉ trong một giấc mơ hoa thật ngắn ngủi!

HUY VĂN


( Để nhớ chuyến công tác CTCT tại Quận Hòa Đa, Tỉnh Bình Thuận. 19/11/1972 - 19/01/1973 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét