Trang

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

XUÔI NAM - Bài 3


      Nóng lòng muốn đến New Orleans cho sớm cũng không xong.  Cơn mưa dai dẳng, lúc nặng lúc nhẹ kéo dài mãi cho đến khi lấy phòng ở khách sạn.  Chuyến đi này thật cảm động vì bạn bè các nơi sẽ đến đều liên lạc thường trực qua email, và điện thoại hỏi thăm đã đến đâu rồi, đi có an toàn không, chừng nào đến.  Có lẻ ít có ai làm một chuyến chu du như tôi, cứ như chạy giặc không bằng.
      Chúng tôi bò vào thành hố New Orleans nổi tiếng với khu French Quarter, nhạc Jazz, cũng như là nơi thiệt hại nặng nhất trong trận bão Katrina vào năm 2005.  Nhằm lúc giờ đi làm về, xe cứ nhích từng chút một.  Nhưng cũng nhờ thế mà tôi có dịp nhìn thành phố New Orleans từ trên cao.  Trừ khu Downtown với các kiến trúc mới, khu French Quarter và gần đó trong thật cũ kỷ.  Tôi nhìn thấy những nhà thờ kiểu dáng lạ lùng, phủ đầy rêu phong.  






     Tôi cũng nhìn thấy hình dáng của sân vận động, nơi tị nạn bão lục của người dân New Orleans trong cơn bão Katrina.  Nhưng cũng rất tai tiếng vì thiếu an ninh.  Nhớ lại ngày ấy có một TN-C, con của anh chị Dư Văn Vạn K5 và Kim Anh K5 kêu gọi cầu cứu.  Anh chị Vạn đã bay từ Virginia xuống Houston để tìm đường vào cứu cậu con trai.  Hình như ngày ấy anh Phạm Đình Mạnh K5 và một bạn TN nào, quên tên, đã xung phong lái xe vượt nước lũ vào cứu con của bạn mình, mang về Houston an toàn. Mỗi lần nhắc đến, vẫn thấy cảm khái trong lòng với tấm chân tình bạn bè TN dành cho nhau.
      Vừa bỏ túi xách xuống thì chị Thuần (TN-KH 1973) và ông xã là anh Thịnh đã gọi, rũ đi uống cà phê để làm quen trước khi chị phải đi làm.  Anh Thịnh là dân CTCT khóa 2, sau khi bị CSVN hành hạ 5 năm trong ngục tù, được thả ra thi anh vượt biển thành công vào năm 1981, và đến định cư ở New Orleans từ ngày ấy đến nay.  Nghe nói anh đã đi làm 2, 3 việc cùng lúc để nuôi gia đình mình, gia đình bên vợ, cũng như đón được chị Thuần qua đoàn tụ, nuôi nấng anh chị em qua sau học hành thành công.  Nhưng cái giá phải trã của anh cũng khá nặng, anh đã bị lệch xương sống vì làm nghề thay võ xe hơi , cứ mãi nghiêng một bên nên bị trật luôn.  Được mổ cứu chữa nhưng không đi thẳng và đi lâu được như trước.  Tôi có dự tính rũ anh đi ta bà thế giới New Orleans cùng tôi, nhưng thấy tình trạng của anh cũng đành bỏ qua ý định.  Chị Thuần bây giờ là y tá cho một trung tâm y khoa đi làm ca đêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng.  Tôi nghe cũng hết hồn, vì đã từng đi làm ca đêm và đã phải bỏ của chạy lấy người vì chịu không nổi.  Cô hàng xóm Thanh Đan tối đó về phòng cười tôi quá chừng, vì anh Thịnh đã lo được không biết bao người, anh chị em, vợ con, gia đình, và có thêm mấy căn nhà cho thuê.  Trong khi đó tôi nuôi có một mình cô hành xóm cũng không xong.  Tôi đành phải an ủi cô là lấy phải  một ông chồng chỉ biết đi du hí thì ráng chịu thôi.


      Nói đến New Orleans và dân VN là người ta thường nghĩ đến cái "Chợ Chồm Hổm" nổi tiếng vào mỗi sáng Thứ Bảy.  Theo như lời chị Thuần thì cái chợ rất ư là "nhếch nhác", nhưng đó cũng là đặc điểm của người dân VN ở New Orleans.  Anh Thịnh đã chỉ tôi đường đi và dặn là phải dậy sớm mà đi vì chợ mở lúc trời còn tối, khi nắng lên thì chỉ còn nước vào dọn rác giùm.  Tôi và cô hàng xóm cũng cố gắng dậy sớm và bật GPS tìm đường đi.  Dù thấy mặt trời lên khi còn nữa đường nhưng tôi cũng quyết định đi tiếp và xem tận mắt cái khu vực Versailles nổi tiếng này.  Đến nơi, may quá chợ vẫn còn mở.  Thấy nhiều gian hàng do các bà cụ ngồi bán chỉ với vài bó rau trồng trong nhà, trông thật thảm.  Rồi nào là cá tươi, tôm tươi, mực tươi, cây trái, rau quả, cây kiểng cũng khá nhiều.  Lại có 2 gian hàng bán gà, vịt sống, thỏ, chó, mèo, bồ câu do 2 ông Mỹ tham gia.  Cô hàng xóm rất lấy làm thích thú khi được nghe lại tiếng gà gáy sau hơn 20 năm xa quê hương.  Vì tiếng gà gáy là một xa xỉ phẩm đối với người dân thành phố.






    Cô nàng rũ tôi đến xem và chụp hình.  Tình cờ tôi phát hiện có con thú rất lạ, đuôi là đuối cá sấu, mình là mình rùa, đầu thì lai giữa rùa và cá sấu.  Ông Mỹ cho biết là con thú này có tên là Allegator Splash Turtle (?), miệng của nó rất mạnh có thể phập đứt cả bàn tay người ta.  Tôi hỏi thăm xem bán bao nhiêu, có lẻ nghĩ rằng tôi mua về nấu súp ăn nên anh ta tính giá $US2/pound, và con này nặng chừng 50 pounds vậy giá là $100.  Mấy người đứng gần xem hỏi tôi mua làm gì, nghe tôi định mua về nuôi ai nấy đều hải hùng.  Có lẻ đây là giống rùa lai cá sấu mà chúng tôi gặp lần đầu trong đời.  Trên mai đầy rong và đất có 3 lằn sọc thẳng đứng và nhìn rất hung tợn.


      Cái khu chung cư ngay sau lưng chợ chồm hổm thật tàn tạ và bẩn, tôi không hiểu sao người ta vẫn ở được.  Hỏi thăm thì được biết là khu Versailles này bị nước tràn ngập tàn phá trong cơn bão Katrina.  Nhiều người đã bỏ đi sau ngày ấy, nên có nhiều nhà, cơ sở thương mại vẫn còn y nguyên cảnh hoang phế.  Không hiểu sao thành phố không dọn sạch luôn cho rồi.  Các cửa hàng VN trong khu vực này trông cũng có vẻ ế ẩm.  Tôi và cô hàng xóm kéo nhau vào tiệm Phở Bằng ăn cho biết, vì thấy họ mở sớm nhất, nhưng cả phở lẫn cơm tấm đều chỉ tạm được.


      Chúng tôi không uống cà phê ở Phở Bằng vì để dành phần thưởng thức cà phê ở quán Le Monde nổi tiếng ở khu French Quarter cùng với món bánh Beignet.  Ai ngờ khi tìm được chổ đậu xe, mò đến được quán Le Monde thì hởi ơi.  Cái đuôi xếp hàng dài cả hàng trăm người.  Đi một vòng shopping các cửa hàng, vòng lại cái đuôi lại càng dài hơn.  Mà trơi thì nóng cả hơn 90 độ F, lại ẩm nữa khiến ai đi không quen chịu không nổi.  Tôi đành cõng cô hàng xóm về và hứa hẹn sáng mai đi sớm cho cô thưởng thức cà phê và bánh beinget ăn sáng.  Chúng tôi vòng lại ngày hôm sau thật sớm lúc 7:30am, dưới cơn mưa tầm tả, bàn ghế của quán vẫn chưa dọn ra hết.  Chiếm được cái bàn và gọi thử món cá phê nóng, cà phê đông lạnh, cùng một dĩa bánh beignet.  Nhưng không ngờ quá kém, thua xa cà phê trong sở hay ở nhà tôi pha.  Và bánh beignet làm hai đứa tôi buồn quá, cũng như nhớ lần đầu tiên được giới thiệu ở nhà Bạch Mao Sư Vương (Châu Tuấn Xuyên K1) sao mà lại ngon như thế.  Có vậy mới biết là cái số, cái thời của con người!  Quán Le Monde đắt khách đuổi ra không hết vì nằm ở vị trí trong tân của French Quarter, đồng thời chuyện ngôi uống cà phê ngoài đường là một thời trang, hay nữa là giá không đắt lắm.




      Du khách dạo sau này khi mua hàng thường tìm xem hàng làm tại đâu.  Khi được biết là "Made in China" họ thường trã lại không muốn mua.  Cho nên không lấy làm lạ khi thấy các anh Tàu hoảng sợ thay vì đề Made in China, mấy anh đổi là Made in PRC.  Chỉ là một sự chơi chữ vì PRC nghĩa là People Republic of China, cũng là mấy anh Tàu mà thôi.  Thêm nữa, mấy anh Tàu còn nghĩ ra chiêu đem hàng qua các nước lân bang nhu VN, Ấn, Hồi, rồi mới gắn nhản xuất cảng qua mắt thiên hạ.
      Chị Thuần và anh Thịnh dù bận nhưng vẫn cố gắng cho chúng tôi một buổi họp mặt ở nhà ăn uống với món đặc sản CrawFish của New Orleans.  Phải công nhận là nhà hàng nơi đây nấu món CrawFish ngon thật, nhứt là các món đi kèm trong nồi súp như khoai tây, bắp, chân giò heo, v.v.  Chị Thuần thấy hai đứa tôi ăn CrawFish và Cua vất vã quá, nên chị bóc sẳn ra dĩa cho hai đứa tôi ăn cho khoái khẩu.  Tôi và cô hàng xóm không quen ăn các món đồ biển nên mỗi lần đụng phải là lọng cọng chẳng ra làm sao.


      Cô hàng xóm giống tôi thích món ăn VN, nên đi đâu cũng hỏi thăm tìm kiếm các nhà hàng VN mà thưởng thức.  Lần này đến New Orleans, đi ăn 4 nhà hàng mà chỉ chấm được có 1 nơi là nhà hàng Tân Định, trang hòang đẹp và đồ ăn cũng khá.  Còn đồ ăn ở tiệm Phở Bằng khu Versailles thì hơi tệ, nhà hàng Nine Roses khu Hretna thi vừa tối vừa dở, tiệm Phở Hòa mới mở cũng không ngon lắm.  Mà quái một điều là cái thùng rác to tướng lại đặt ngay bên hông tiệm, trước cửa, bay ra một cái mùa rất ư là khủng khiếp, còn hơn là cái trung tâm đổ rác của quận Fairfax ở Virginia, nơi tôi làm.  Tôi chọc cô hàng xóm trên đường đi Houston Texas là có thể ông chủ này muốn bà con nhớ lại cái mùi cống và đống rác ngày xưa của vài hàng phở đặc biệt ở VN chăng?!

(còn tiếp)
NĐTrọng & cô hàng xóm Thanh Đan






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét