Một cảm phục gởi đến Ngu Yên khi đọc lời phát biểu của Hội Đồng giải về Thơ Văn Việt Lần Thứ Hai đối với tập thơ Độc Quạnh của tác giả. Không thể nào có lời viết phê bình nào chính xác và sâu sắc hơn, trọn vẹn và quả quyết hơn.
Tôi đọc thơ Ngu Yên không thể trong một ngày mà phải chia làm nhiều lần qua nhiều ngày. Bởi lẻ tác giả đã truyền đạt quá nhiều tư tưởng mới lạ, quá lạ, ra hẳn ngoài khuôn khổ tư duy bình thường.
Những trang thơ của Ngu Yên, những đoạn thơ, những câu thơ, lời thơ:
Rơi vào mắt tôi
Rớt vào tim tôi
Sáng tỏa óc tôi
Thắp lửa tâm tôi
Đảo lộn máu tôi
Dậy sóng lòng tôi
Đong đầy hồn thơ
Thật vậy, thơ Ngu Yên mang theo nhiều ý nghĩa bất thường, những lập luận triết lý với những phá bỏ quan niệm bình thường, những kết hợp cùng mâu thuẫn giữa tư tưởng của Đông và Tây, Địa Ngục và Thiên Đàng, Bóng Tối và Ánh Sáng, Đêm và Ngày, sự Thật và Dối Trá, Ông Thánh và Quỷ Dữ…Là những vần đề tưởng như hoàn toàn khác nhau nếu nhìn chung. Tuy nhiên dưới cái nhìn có độ nghiêng khác biệt của tác giả thì, đôi khi hoặc ngay cả rất nhiều khi, những nền tản luận lý xả hội có phần giống nhau, gặp gở nhau, bổ túc cho nhau. Khi chính cái này đẻ ra cái nọ và choàng xéo, dẫm lên nhau, rồi tự nghịch lý với nhau, chống nhau, tách rời nhau…
Cách trình bày thơ văn của Ngu Yên thể hiện dưới một lối hành văn nhẹ nhàng biến chữ thành thơ, thơ thành nhạc, mỗi chữ là một nốt nhạc, khi thì liên tục đuổi theo nhau, khi thì co cụm, khi thì uốn éo như một đoạn luân vũ, khi thì hân hoan như những giọt nắng, hoặc rã rời như những giọt mưa, có khi nghe như từng tiếng trống tưởng như lổi nhịp nhưng lại là một nhấn mạnh của dòng tư tưởng. Lối cấu tạo ý nghĩ bằng lời thơ hoàn toàn không theo một khuôn khổ thông thường thuộc loại kinh sử cổ điển, mà là một kết hợp hài hòa ăn khớp qua những câu tựa như thơ nhưng lại là thơ, tựa như nhạc nhưng lại nhiều loại nhạc khác nhau. Có khi dài cả đoạn với âm điệu thanh thoát, có khi một câu với mươi chữ, khi vài ba chữ hay đơn độc một chữ một.
Đọc qua tập thơ Độc Quạnh, người ta có thể thấy được sự khó tính của tác giả, qua những lập luận khai phá chống đối, xét lại. Bất chấp-có. Nộ- có. Cuồng - Có. Hung- Có. Buông xả - Có. Độc đáo - Có. Đồng thời tình cảm – Có. Lãng mạn – Có. Đậm đà - Có. Đau buồn - Có. Hoan lạc- Có. Hiện thực - Có. Hiện thực + Ảo giác - Có: “Rồi anh bước vào em rất chậm. Từng nhâm nhi ép cảm xúc thật tình. Có khi lui tới tìm đường vào mùi mẫn. Có khi dừng thưởng thức máu ngất ngây. Rồi khai phá mở lối vào sáng tạo. Ôi, thơ ơi, xin hãy xuất thần”. Tự ta thán – Có. Chối bỏ - Có: “Trước khi thanh thản sống thơ, thi sĩ là kẻ nô lê chữ nghĩa, nô lệ văn chương, nô lệ chính bản thân” Hởi ôi! Toàn những nô lệ đẹp đẻ thanh nhã.
Khi nhận tập thơ, đọc đề tựa Độc Quạnh, tôi liên tưởng đến hình ảnh của một Độc Cô Cầu Bại. Với lời tự giải ĐỘC = cô đơn, cô độc, mỗi một, duy nhất. QUẠNH = vắng vẻ, hiu quạnh, quạnh quẽ, ẩn dật. Là người cô độc, ẩn dật xa lánh hồng trần trong khi chỉ mong tìm được một người thắng mình. Tuy nhiên với Ngu Yên “Độc Quạnh là tiên tri, không có niềm tin. Là hướng đạo, nhưng đi sau chót. Là thả diều, không muốn dùng dây. Là đại hòa tấu đã nghe, vẫn chưa ai viết”.
Tôi muốn tôn Ngu Yên làm sư phụ, không những vì sự tuyệt hảo của tập thơ này và bao nhiêu tập thơ khác đã xuất bản, như 2 tập thơ dịch từ văn hào Winslawa Szymborska, khôi nguyên giải Nobel văn chương năm 1996, hay của những pho sách có tính cách nghiên cứu như “Ý Thức về Dịch Thuật”, mà cũng chính vì sự bộc lộ trung thực dễ thương của một Ngu Yên khi nhân danh tình yêu đã thốt lên :
“Tôi không phải làm thơ chuyên nghiệp. Sống không vì thơ (sic). Chết không vì thơ (đúng) Vinh dự đó dành cho thi sĩ. Còn tôi Tiết kiệm sức người Để yêu em”
“ôm chặt những ngón tay cong queo khô cằn. Cố vuốt ra cho thẳng…cầm tay em nắn bóp những ngón cong queo…
Đã lâu rồi anh không có đức tin. Nhưng giờ này anh muốn quỳ xuốngcầu xin bất cứ thần thánh nào, cho những ngón tay em, thẳng ra, suông sẽ như ngày mới cưới.
Lạ lùng thay!
Dứt lời cầu, những ngón tay em cử động rồi nắm chặt tay anh”
Với tôi, tôi tự nguyện bóp chân Nàng mỗi đêm, hằng đêm, thay vì vừa bóp tay vừa cầu nguyện cho vợ như Ngu Yên hoặc xin kẻ lông mày cho vợ như Trương Vô Kỵ.
Tuy nhiên, giống như Trương Vô Kỵ quên liền những võ công vừa thụ giáo, tôi quên ngay những lời thơ sau khi đọc xong. Nếu đã như vậy, thời tôi không thể làm đồ đệ cho một Độc Cô Cầu Bại Ngu Yên được. Vã chăng đã là Độc Cô Cầu Bại trong làng văn thì Ngu Yên cũng chẳng thể thâu nhận học trò nào.
Vì vậy, tôi xin trích ra dưới đây những đoạn thơ tôi thích, những lời thơ ấn tượng:
“Có kẻ nuôi cá, tập cá từ nước lên bờ,
Đi như thú vật bốn chân
Ngày ngày dẫn đi dạo,
Người người ngợi khen.
Charles Darwin chứng minh tiến hóa
Một hôm cá lỡ vận rơi xuống sông
chết đuối,
Đúng hay sai thời gian chưa trả lời”
*Trích từ: Một tỳ hai trăm lẻ chín triệu con đường đi tìm chìa khóa
“Peter, tôi chờ anh đã lâu. Chúc mừng về nơi an nghỉ vĩnh cữu.
Judas, ngươi làm gì ở đây? Xuống lại hỏa ngục đi.
Không- Tôi ở nước trời từ đó đến giờ.
Judas mừng rỡ chạy đến. Peter đăm chiêu lạnh nhạt.
Thiên thần Gabriel chận Peter ở điện thờ.
Peter, hãy ở đây chờ thầy
Xin cho con gặp thầy gấp
Cần gì, cứ hỏi ta.
Judas phạm tội bán thầy, sao lại ở thiên đàng?
Thiên đàng, không phải cho kẻ có tội hay vô tội. Những người ý thức chu toàn số mệnh sẽ lên trời, dẫu số mệnh làm điều xấu.
Con chưa hiểu.
Ở trần gian, nếu có người lập công phải có kẻ phạm lỗi; có người giàu phải có kẻ nghèo; có người tốt phải có kẻ xấu…tất cả và mỗi người đều có việc phải làm. Khi hoàn tất, có người ý thức có người không.
Con vẫn chưa lãnh hội?
Dù biết hay không, một người sẽ đi hết số phần. Con chim bay suốt đời, con chó sủa suốt kiếp, không tự biết làm gì.
Chúng chết về với đất. Nhờ ý thức con người về với trời.
Tội ở trần gian, không phải tội trên trời.
Hứa ở trần gian, không phải hứa trên trời.
Người sống, biết mình sống, là thuận trời
Người chết, biết chờ chết, là thuận trời.
Ý thức và làm tận cùng giới hạn, thuộc về trời
Judas thuộc về trời.
Peter thuộc về trời…”
*Trích từ: “Người mua Kẻ bán Chúa”
“Đất vô cương. Trời vô tận. Thiếu gì nơi phơi phới tài hoa.
Thời vô hình. Đẹp vô biên. Tài vô hạn. Chỉ một đời”
*Trích từ: “Văn Đoàn Độc Lập/ Lời bàn”
“Hôm về biển yêu em theo gió mặn
Khi lên đồi yêu theo nắng lá khô
Lúc xuống phố yêu bàn chân mau mỏi
Và mỗi đêm yêu quá tiếng cười
Em có nụ cười khiến anh mê sảng
Em có môi hôn dựng đứng mùa xuân
Em có thiếu nữ mà anh say đắm
Em có ngực trời và háng thiên nga…”
“…Mặt trời là tim ngày. Mặt trăng là tim đêm. Tim ngày lúc nào cũng có. Tim đêm khi có khi không, như tim đàn bà.
Khi yêu tim đàn ông sáng rực, tim đàn bà lúc mở lúc tắt. Đàn bà thuộc về đêm. Đàn ông thuộc về ngày.
Vì vậy ăn chơi về đêm, phải có đàn bà; ngủ ban đêm, phải có đàn bà. Không có đàn bà, đêm không trăng, chỉ một ngôi sao, xa xôi hiu quạnh…”
*Trích từ: “Sự liên hệ giữa đêm và ngày”
“…Anh, đừng buồn nữa. Không sao. Em vẫn yêu anh.
Vợ anh cũng nói như vậy, rồi bỏ đi”
*Trích từ: “Cái đuôi của vết sẹo chiến tranh”
“Nhìn chữ “Tôi” mỗi ngày.
Rốt ráo, thừa vần “ T ” và vần “ I “
Tôi là “Ô “;
Tạm như chiếc dù; mãi mãi tiếng kêu kinh ngạc
Suy gẫm về “Ô “ mỗi ngày
Rốt ráo, thừa dấu “ ^ “
Tôi là “ O “
Không bao giờ tròn, vĩnh viễn số không, méo
Kinh nghiệm đổi vần “ O “ mỗi ngày
Rốt ráo, cần phải có “ T “, ^ , I “,
Như ốc mượn hồn
*Trích từ: “Tôi”
*** của tôi, tức V. Chánh, xin ngồi vào bàn thơ phụ họa vài vế mổ xẻ chữ TÔI cùng Ngu Yên:
Nhìn chữ “ Tôi “ mỗi ngày
Chán chường, muốn bỏ “ T “
Như một than ÔI khi mất đi tình, tiền, thân thế
Vẫn dư vần “ I “
Của ích kỷ, làm ít thích nhiều
Còn lại Ô, ngạc nhiên!
Khi màu đen thời gian phi nhanh như ngựa
Bỏ luôn cái mũ
Con nít thời thích chơi đá banh tròn
Người lớn e ngại vòng tròn lẫm cẩm
Chọn số không hầu thanh thản ra đi
Bấy nhiêu tâm cảm gởi đến bạn đọc yêu mến thơ Ngu Yên.
Vĩnh Chánh,
11 tháng 3, 2017
Bên bờ hồ Mission Viejo
NGU - YÊN: TÌNH, NGƯỜI TAN LOÃNG VÀO THƠ
Lúc tôi trang trải nỗi niềm với thông ngàn, suối biếc của Đà Lạt, thì Ngu Yên đã vời vợi trên muôn trùng diễm ảo để ca ngợi tình yêu. Khi đó tôi chưa biết anh. Những ngày tôi miệt mài với lửa khói chiến trường và sau đó trầm luân trong bi kịch đổi đời thì Ngu Yên đã xây dựng cho mình một tổ ấm với đôi tim hòa cùng một nhịp của Tình yêu tuyệt đối. Đến lúc này tôi vẫn chưa biết Ngu Yên. Mãi đến khi tôi tìm lại được " khung trời Đà Lạt trong những tâm hồn tha hương " cách nay đúng 14 năm, tôi mới " biết " Ngu Yên là một nửa của một giọng hát mà tôi mến mộ ngay từ khi mới học năm...Nhập Môn! Biết Ngu Yên nhưng chưa quen anh! Mãi đến khoảng hai năm trở lại đây, thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp nhận vài chữ của nhau. Thật lòng mà nói thì Biết hay Quen cũng không quan trọng. Cảm được Ngu Yên mới là điều đáng nói! Nhưng CẢM được Ngu Yên qua phong cách sinh hoạt của đời thường, hay qua tài năng đầy sáng tạo của anh trên lãnh vực Văn Hóa- Nghệ Thuật nói chung hoặc qua phong cách biễu diễn trên sân khấu của anh thì dễ, nhưng hiểu và " Thấy " được Ngu Yên trong chính THƠ của anh mới là trò chơi của trí tuệ! Về điểm này thì tôi xin mở ngoặc đơn ở đây để lan man qua những lời Bác sĩ/ Thi sĩ Vĩnh Chánh đã dành cho Ngu Yên ( đính kèm qua bài viết dưới đây ).
Thơ Ngu Yên vốn đã " bay " đâu đó trong tận cùng của không gian lẫn thời gian mà lời diễn giải của anh Vĩnh Chánh thì chẳng khác nào một tổng phổ mang đầy âm điệu của " một lối hành văn nhẹ nhàng biến chữ thành thơ, thơ thành nhạc, mỗi chữ là một nốt nhạc, khi thì liên tục đuổi theo nhau, khi thì co cụm, khi thì uốn éo như một đoạn luân vũ, khi thì hân hoan như những giọt nắng, hoặc rã rời như những giọt mưa, có khi nghe như từng tiếng trống tưởng như lổi nhịp nhưng lại là một nhấn mạnh của dòng tư tưởng. Lời trình bày của anh Vĩnh Chánh còn " nâng " tâm tình độc giả vào khung trời kỳ diệu của " Lối cấu tạo ý nghĩ bằng lời thơ hoàn toàn không theo một khuôn khổ thông thường thuộc loại kinh sử cổ điển, mà là một kết hợp hài hòa ăn khớp qua những câu tựa như thơ nhưng lại là thơ, tựa như nhạc nhưng lại nhiều loại nhạc khác nhau."
Mà thật vậy! Thơ thường được hiểu như là một sự kết hợp rất hài hòa giữa Âm Nhạc và Tình, Ý, Cảnh. Nhưng Vần Điệu ( Âm Nhạc ) ở đâu?! Tình ở đâu?! Ý ở đâu và Cảnh ở nơi nào? Tất cả những đặc tính của Thơ đều được Ngu Yên cất giấu đâu đó trong những " vần điệu khác thường " của mình để độc giả tha hồ cảm nhận và tìm hiểu. Đó là Tự Do, là Phong Cách mới mà Ngu Yên đã đưa vào Thơ, một phong cách rất...phóng khoáng và đôi khi thật trừu tượng hiểu theo nghĩa đưa Thơ... vào Thơ bằng một văn phong ( trích từ bài biết của anh Vĩnh Chánh ) có một không hai. Đó là: Có. Buông xả - Có. Độc đáo - Có. Đồng thời tình cảm – Có. Lãng mạn – Có. Đậm đà - Có. Đau buồn - Có. Hoan lạc- Có. Hiện thực - Có. Hiện thực + Ảo giác như sau đây :
“…Mặt trời là tim ngày. Mặt trăng là tim đêm. Tim ngày lúc nào cũng có. Tim đêm khi có khi không, như tim đàn bà.
Khi yêu tim đàn ông sáng rực, tim đàn bà lúc mở lúc tắt. Đàn bà thuộc về đêm. Đàn ông thuộc về ngày.
Vì vậy ăn chơi về đêm, phải có đàn bà; ngủ ban đêm, phải có đàn bà. Không có đàn bà, đêm không trăng, chỉ một ngôi sao, xa xôi hiu quạnh…”
*Trích từ: “Sự liên hệ giữa đêm và ngày” Ngu Yên
Nói tới văn phong và nghệ thuật diễn đạt bằng ngôn từ thì người ta liên tưởng ngay tới câu : " Đọc VĂN, biết NGƯỜI ". Nhưng Ngu Yên không phải đơn giản như vậy huống chi đây là THƠ. Mà Thơ của Ngu Yên thì " mềm như khói, nhẹ như mây " ( trích thơ Huy Văn ) và tan loãng vào chính người thơ, vào thiên nhiên và tồn đọng trong tận cùng sâu lắng của tâm hồn thi sĩ! Vâng Ngu Yên chính là Thơ, Thơ là Ngu Yên. Vì vậy hai tiếng Nhà Thơ mà người đời thường ghép trước tên của thi sĩ sẽ trở nên thừa thải. Ngay cả danh hiệu Thi Sĩ cũng không cần thiết! Chưa lần nào độc giả thấy có danh hiệu Thi Sĩ đứng cạnh bút hiệu Ngu Yên! Trong tất cả những gì được viết để giới thiệu về anh, người ta chỉ đọc thấy hai chữ ...NGU YÊN! Mà tại sao không phải là Ngữ Yên, Ngủ Yên, hay... Ngự Yên mà chỉ là NGU YÊN?! Câu hỏi do độc giả tự đặt cho chính mình để đến gần hơn một chút với tác giả mà mình hâm mộ. Có điều... ngay cả Ngu Yên cũng không cần phải đi tìm chính mình hay lý giải bút hiệu mình đã chọn:
" Nói ra không phải giả vờ
Chính ta đây cũng nghi ngờ Ngu Yên! "
* Trích từ CÂU CHUYỆN NGU YÊN của ..chính Ngu Yên.
Khi " chàng " đã tự bộc bạch về chính mình thì độc giả bốn phương cần chi phải nhọc lòng tìm hiểu! Nhưng...chỉ vì thơ của Ngu Yên là sự tổng hợp hài hòa giữa cảnh siêu nhiên, thoát tục của Phạm Công Thiện với cái phóng khoáng rất ...bất cần đời của Bùi Giáng cùng phong cách chân tình, tha thiết của Thanh Tâm Tuyền nên có thể nói thơ Ngu Yên lột tả mọi tâm tư, tình cảm và hình ảnh của chính mình cho người đời nhàn lãm. Ngu Yên là hơi thở, là mộng mị, là vô thủy lẫn vô chung vì: NGUYÊN = Bất Di, Bất Dịch.
NGU = niềm vui, sự thú vị: " Túc dĩ cực thị thích chi ngu " (Vương Chi Hi, trích từ: Lan Đình Thi Tự) Tạm dịch: Đủ để hưởng hết cái thú của tai mắt, thật là vui thay!
NGU còn là hình thức thể hiện phong thái tao nhã và khiêm cung của một chính nhân, của bậc trực giả trong cách xưng hô ( ngu ý, ngu huynh...) đồng thời NGU cũng là tiếng thì thầm, là hình ảnh thoáng khoáng của một tâm tư, tình cảm qua âm vực bổng trầm của tiếng nói: tiếng nói phát xuất từ đáy lòng của người nghệ sĩ chân chính.
Vậy còn YÊN?
Có phải đó là sự đắm say, quyến rũ, hay là biểu hiệu của sự lấp đầy một khoảng không, một hố sâu...tâm tưởng? Hay đó là một diễm lệ, một hạnh phúc nội tại ( như trong thơ của Phùng Tiên Dị : "Nhật tà liễu ám hoa yên"..." (Tạm dịch: Nhìn hoa đẹp lúc chiều tà..). Không chừng đó cũng là cảnh nhìn nhau mĩm cười như trong "Tương Thị Yên Nhiên" (Trích sách Khuê Phòng Kí Lạc) lúc tình xuân trong lòng đang...phơi phới!?
Có thể nói, nhìn thấy bút hiệu là đã mường tượng ra được thi sĩ đã " đạt tới cảnh giới thượng thừa " ( tạm mượn lời trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung ) của việc điều tâm, tịnh thức để từ đó gọi mời độc giả tan loãng vào thiên nhiên, hài hòa với vũ trụ nội tại bằng những hình ảnh tưởng như rất mờ ảo, mơ hồ, nhưng lại rất hiện thực và cũng rất...con người ( hiểu theo nghĩa bình dị nhưng mang những thông điệp có tính cách triết lý ):
"Con vật này dưới đất gọi là trùn
Vào biển gọi thuồng luồng
Bay lên gọi là rồng
Chưa hề có ai thấy rồng thật..."
(Trích từ: 1 Tỷ 200 Lẻ 9 Triệu Con Đường Đi Tìm Chìa Khóa)
A!Tại sao có tới 1 Tỷ 200 Lẻ 9 Triệu Con Đường Đi Tìm Chìa Khóa? Nhiều vậy à? Con số mang ngụ ý gì?! Sao lại có số lẻ ở đây?! Khó hiểu quá! Câu trả lời chỉ có thể hỏi nơi chính Ngu Yên ở http://www.gio-o.com/NguYen. html
Đơn giản:
NGU YÊN là... NGU YÊN! Là nét son trong toàn cảnh Văn Hóa- Nghệ Thuật và có thể nói: nếu " Khối A " của Khóa 8 Trường Chánh Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Đà Lạt bao gồm những bàn tay vun đắp cho mảnh vườn nghệ thuật luôn đa dạng và đầy màu sắc, thì bên cạnh đó, " Khối B " chắc chắn không chỉ có Bích Lưu, Ngu Yên, Vĩnh Chánh mà còn nhiều đóa hồng rực rỡ khác đã, đang và sẽ là những nét chấm phá luôn điểm tô cho vườn hoa văn hóa, văn nghệ của Đà Lạt nói chung và Viện Đại Học Đà Lạt nói riêng. Đà Lạt của ngàn năm tình tự không thể thiếu Ngu Yên và những gương mặt vừa nêu tên. Lại càng không thể thiếu cánh chim đã cùng chàng chắp cánh qua hơn bốn thập kỷ và qua bao thăng trầm của đời người.
Cánh phượng và cũng là nguồn cảm hứng bất tận đó đã giúp Ngu Yên ca ngợi Tình Yêu, Cuộc Sống, Con Người và Tâm Tưởng qua những nét Thơ rất đặc thù của..riêng mình. Rất có thể cánh chim hiếm, quí ấy đã góp phần đưa Ngu Yên tan loãng vào THƠ để trang trải tâm tình với Đời, với Người và ...với chính mình một cách sâu lắng như mọi người đã đọc thấy. Có đúng như vậy không nhỉ!? Lại một lần nữa phải hỏi NGU YÊN mới mong nhận được câu trả lời!
HUY VĂN ( HUỲNH VĂN CỦA )
Ngày bão tuyết ( 14/03/ 2017 ) tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét