KỶ NIỆM ĐÊM
MÀU KỶ NIỆM
Tháng10, 1971, sau khi nhập học tại Viện Đại
Học Đà Lạt, phần lớn các sinh viên từ các thành phố khác đổ về bắt đầu ổn định
cuộc sống mới. Quen dần nơi ăn chốn ở. Sinh hoạt thường xuyên hằng ngày. Tên các
Giáo Sư giảng dạy. Thời khóa biểu của từng lớp học. Thư viện nằm ở đâu. Nơi lãnh
những xấp bài Roneo cho những môn học tới…Từng ngày chen chân nhau sánh bước trên
những con dốc dẫn đến các giảng đường với những cái tên đặc biệt ý nghĩa, rất là
văn hóa - Thụ Nhân, Hòa Lạc, Hội Hữu, Đôn Hóa, Thượng Hiền…
Spellman, giảng đường chính
lớn nhất của phân khoa CTKD, đã không đủ chổ chứa cho gần cả ngàn SV ghi danh năm
đầu tiên, nên có rất nhiều người phải đứng trong và ngoài với tất cả nao nức của
tuổi trẻ. Vui như hội! Hai cư xá cho nữ SV nằm ngay trong khuôn viên Đại Học,
mang tên “Kiêm Ái” và “Bình Minh”. Từ Kiêm Ái mỗi sáng thức giậy sớm lúc 5 giờ,
khăn áo, trùm quấn, chỉ leo lên một con dốc nhỏ và ngắn, vừa đi vừa run, là có
thể xem lể tại nhà thờ Năng Tĩnh. Với các nam SV có cư xá “Trương Vĩnh Ký” và
“Rạng Đông”, nằm bên ngoài viện ĐH, trên con đường gần đó.
Tháng 10, 1971, mùa Thu đến.
Ngoại trừ hoa Mimosa đã không còn trên cành, rải rác đó đây vài cây phong đang
thay màu lá, rơi rụng trên nền cỏ hay bên vệ đường. Còn lại tất cả là một màu
xanh bạt ngàn của rừng thông, với tiếng gió thổi, thông reo. Một khoảng trời vương
vấn sương mù mà những giọt sương long lanh chỉ tìm thấy sau khi mặt trời đã lên.
Trong sự mê hoặc tĩnh không của thiên nhiên ấy và cái mát lạnh tuyệt vời của khí
hậu miền Trung Nguyên, bạn bè bắt đầu làm quen với nhau, chia phe, lập nhóm. Những
con người của bốn phương, vừa rời bỏ mái ấm gia đình, kết nối với nhau để cùng
nhau học hỏi, chia xẻ một thế giới mới lạ, rộng rải hơn, tự do hơn, phóng khoáng
hơn, để từ đấy nẩy sinh bao mối thân tình. Tình một chiều. Tình hai chiều. Tình
câm. Tình tươi đẹp. Tình nhộn nhịp. Và Tình trọn vẹn khi một nhóm 10 người chỉ
còn 2 người, như Chánh & Ánh, như Châu & Khiết…
Tuổi trẻ sống với tâm tư và âm
nhạc. Lúc nào bên tai cũng văng vẳng những bài hát nổi tiếng của một thời. Những
ca khúc hay nổi tiếng thế giới – Put Your Head on My Shoulder, Smoke Gets in
Your Eyes, Green Fields, Let It Be, Hey Jude, Sounds of Silence, Hello Goodbye,
Come Together, It ‘s Now or Never, Imagine, Yesterday, Aline, Et Pourtant,
Can’t Stop Loving You…Cùng với những tình khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng
Trọng, Cung Tiến, Anh Bằng, Hoàng Thi Thơ, Khánh Băng, Văn Phụng,Từ Công Phụng,
Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Đông, Tuấn
Khanh…Đố bạn nào mà không biết ?!
Lớn lên trong chiến tranh, đời
người SV cũng bị chi phối bởi những biến cố của đất nước. Qua các đợt đôn quân,
số nam SV lần lần rơi rụng. Giảng đường vắng dần sau mỗi mùa hè. Con số đầu người
trong lớp xuống thấp từ từ để rồi chỉ còn khoảng 200 sinh viên tốt nghiệp hè
1975. Khóa 8 CTKD là khóa chịu nhiều thiệt thòi theo thời cuộc.
Tháng 10, 2015, tin Đại Hội
Thụ Nhân Thế Giới năm 2016 được quyết định sẽ tổ chức tại Nam Cali. Vào một ngày
nắng ấm của chớm Thu, đôi bạn nhìn nhau hội ý: Đại Hội tổ chức tại sân nhà, chúng
mình có thể làm được cái gì đặc biệt để đón tiếp các bạn khóa 8 CTKD? Vì đã may
mắn có dịp thưởng thức tài nghệ của vợ chồng Tiên & N. Phụng vào tháng 5,
2015, qua đêm thơ văn tại “Minh Châu Gia Trang”, vì lòng ngưỡng mộ đối với những
tâm hồn nghệ sĩ, chúng tôi nghĩ ngay đến việc mời cặp bạn này cọng tác để thực
hiện một đêm văn nghệ chào mừng các bạn khóa 8. Không phải giải thích nhiều, Tiên
& N. Phụng sốt sắng nhận lời. Tiên sẽ là MC. Chỉ hai bạn mới có khả năng và
kinh nghiệm để tổ chức, điều khiển, sắp xếp, dàn dựng, trang hoàng…cho một đêm
văn nghệ tuyệt vời. Chúng tôi hoàn toàn trông cậy.
Nói đến khóa 8 mà không nhắc
hai bạn đồng khóa Ngọc Trọng, một ca nhạc sĩ có tiếng trong cộng đồng người Việt
Hải Ngoại và Vũ Hải, một guitar lead và cọng tác viên trong nhiều nhóm văn nghệ
địa phương, là một thiếu sót. Cả hai bạn Trọng và Hải đều được mời để phụ giúp
và cũng cố phần văn nghệ cùng kỷ thuật âm thanh.
Sau hết bạn Nguyễn Trí Dũng được mời gia nhập
vào cuộc chơi, đóng vai đại diện liên lạc với các Thấy Cô và các bạn cùng khóa,
phổ biến thư mời, cập nhật các tin tức cần biết, lập danh sách tham dự, điều hợp
trong nội bộ. Và như vậy, Ban Tổ Chức sơ khởi hình thành với nhiều hứng thú, xong
cái sườn căn bản cho ngày hội ngộ khóa 8.
Trong
những tháng kế tiếp, Ngọc Phụng chính là người kêu gọi, mời mọc các bạn gái vào
ban Văn Nghệ. Cũng chính N. Phụng đã cài tên Màu Kỷ Niệm làm chủ đề cho đêm nhạc
thính phòng với sự đồng ý của các bạn. Chúng ta đều có biết qua những từ ngữ về
màu như: màu thời gian, màu thương nhớ, màu tang tóc, màu quê hương, màu phôi
pha, màu học trò, màu luyến thương, màu nắng hay là màu mắt em… Nhưng khi thoáng
nghe đến chử Màu Kỷ Niệm, có phải mỗi chúng ta đều liên tưởng đến chiếc cầu vồng
với nhiều màu sắc rực rở thỉnh thoảng xuất hiện trên bầu trời sau cơn mưa giông.
Và có lẻ trong tâm tư mỗi chúng ta đều không thể quên một màu sắc đặc biệt nào đó
trong quá khứ đã từng đi vào kỷ niệm thân thương nhất trong cuộc đời mình. Như
vào một chiều rực nắng của hè 1967, tôi nhìn thấy một cô bé dáng người nho nhỏ
trong một chiếc áo đầm màu vàng hoàng gia đi dạo ở công viên bên bờ sông Hương
với mẹ và các em. Tôi theo mãi màu vàng ấy. Để từ đấy màu vàng luôn là màu kỷ
niệm của tôi trong suốt thời gian tôi yêu Nàng, xa Nàng, bên Nàng và mãi mãi về
sau này.
Ngọc
Phụng là người đã đề xướng ý tưởng cho ban hợp ca nữ mặc áo dài lụa muôn màu muôn
sắc, do chính mỗi người tự lựa chọn cho mình. Gởi mẫu chỉ dẫn cách đo kích thước
để may áo dài, và nhờ Trúc Mai (thời gian đó đang ở VN) đảm nhận việc đặt hàng
và đem thành phẩm qua Mỹ. 15 chiếc áo dài đặt may ở Hội An đã là cái phông tuyệt
mỹ cho đêm nhạc thính phòng. Mục này không cũng đủ cho các nàng rộn ràng trong
vài ba tháng. Trong hình đi kèm, thiếu một tà áo. Là ai? Màu gì? Đố vui để…nhớ.
Này nhé: áo Xanh Lá Mạ của tình quê hương, áo Vàng Hừng Đông của tuổi mới vươn lên trong bình minh, áo Hồng Cánh Sen của thanh thoát nội tâm, áo Xanh Hoàng Cung đầy vẻ mỹ miều quý phái, áo Xanh Biển Khơi của thú vui hải hồ, áo Tím Hoa Cà của bình dị đơn sơ, áo Nâu Cổ Đồng của thầm lặng xa vắng, áo Tím Hoa Sim của hoang dại chia ly, áo Tím Hoàng Hôn của tha thiết nhớ mong, áo Xanh Ngọc Thạch của kiêu sa sang trọng, áo Tím Chiều Hoang của biền biệt chờ mong, áo Nâu Hồ Đào của mộc mạc chân thật, áo Xanh Lá Cây Sân Trường của ngây ngô trong trắng, áo Tím Sim Rừng của vấn vương thầm kín, áo Xám Khói Lam Chiều của thanh bình êm ả. Màu áo của ai thì xin các bạn tự nhớ và giữ lấy để còn mang theo về…nhà chồng.
Thật đúng với ý nghĩa Màu Kỷ
Niêm khi mọi người sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 15 bạn mình trong những chiếc áo dài
duyên dáng Việt Nam mang nhiều màu sắc thanh nhã khác nhau. Một hàng áo dài
trong sáng sắp hàng tươi cười chào đón khách quý và bạn hữu trước khi trân trọng
trình bày bản hợp ca mở đầu chương trình. Chính màu sắc những chiếc áo dài
trong đêm Màu Kỷ Niệm, biểu hiện cho bao hình ảnh vui buồn của thời sinh viên, nay
góp chung lại một lúc, một nơi, sẽ làm sống lại thời gian bốn năm chung lối,
chung lớp, chung trường..
Những
chuyến bay…đêm của Ngu Yên & N. Phụng đến Miền Tây lẫn Miền Đông Hoa Kỳ đã khích
lệ, cổ võ làm các chiến sĩ trong ban Văn Nghệ nức lòng tập dợt. Có rất nhiều liên
lạc, kêu gọi, giải thích bằng điện thoại, điện thư giữa BTC, giữa Ban Văn Nghệ và
diễn đàn khóa 8 khiến danh sách tham dự viên ngày càng thêm cao. Rồi 3 tháng chạy
rodage chương trình; 1 tháng hồi hộp lo âu; 7 ngày đợi mong; một đêm xúm xít tổng
dợt, xả stress ở nhà anh Nam & Minh Tâm. Sáng mồng 7, Nàng ở nhà phụ trách
các mục bánh trái, cho vào bao bì để vô thùng đá; tôi theo chân N.Yên & N. Phụng,
Dũng và Hải lo chuyện trang hoàng, dàn dựng sân khấu, ánh sáng, âm thanh, xếp
ghế…Xế chiều 2 đứa ghé nhiều nơi trên đường để lấy những thức ăn nhẹ đã đặt trước,
đem về nơi hội họp được ngay các bạn gái sốt sắng nhộn nhịp nhảy vào góp tay sắp
mọi thức ăn đầy đủ màu sắc vào khay dọn lên bàn, ngăn nắp, đẹp đẻ… Để sau đó,
khi mọi thứ đều sẳn sàng, bạn Trí Dũng toàn quyền hoan hỹ và hãnh diện bước ra
bên ngoài dán tờ bích chương vào của trước, đón chào các đồng môn cùng các thân
hữu tham dự đêm Màu Kỷ Niệm của Khóa 8 CTKD Viện Đại Học Đà Lạt.
Ngày 7 tháng 10, 2016. Mùa
Thu ở Miền Nam Cali khác hẳn mùa Thu của 45 năm trước. Nắng nơi đây ấm hơn, trời
nơi đây trong xanh không mây, lá nơi đây vẫn chưa đủ vàng để rơi rụng, gió nơi đây
vừa đủ nhẹ để làm tung bay những tà áo của các nàng cựu sinh viên diễm kiều quấn
quýt trong bước đi giữa những lời khen từ các bạn. 45 năm
vụt qua như một giấc mơ. Theo năm tháng, mỗi chúng ta đều từng trải nghiệm bao
thay đổi, thử thách, thăng trầm của cuộc sống. Nhưng giờ đây, ở lứa tuổi ngoài
60, bước vào mùa thu của cuộc đời, là lúc chúng ta thấu hiểu giá trị của tình bằng
hữu. Cuộc sống ở cuối đường có lửa hồng tỏa sáng, tìm đến nhau, xích lại gần
nhau, hội nhập vào nhau một cách tự nhiên để cho nhau niềm vui trong sự đằm thắm
đầy thân ái. Thật là cảm động, thật là ấm
lòng, có gì vui sướng, hạnh phúc hơn khi BTC được hân hạnh đón tiếp gần 80 bạn A
và B của khóa 8 CTKD/ Đà Lạt. Những gương mặt hân hoan rạng rở, những ánh mắt
trìu mến thân mật cảm thông, bên những tiếng cười đùa ríu rít, những ôm choàng
bắt tay xiết chặt tô thêm màu sắc cho đời sống.
Dù
các bạn mãi bận la hét chuyện trò, lăng ba vi bộ tìm gặp nhau tạo ra một cảnh rất
hổn độn “vô tội vạ”, Ngu Yên vẫn ngon lành giữ đúng giờ khai mạc. Ngay sau khi
các cựu SV đứng dàn chào đón Thầy Cô Trần Long rồi thay phiên nhau tự giới thiệu
cá nhân mình cho Thầy Cô cùng các bạn, bạn Nguyễn Trí Dũng thay mặt BTC và các
bạn khóa 8 CTKD gởi lời chào mừng đến mọi người hiện diện trong phòng:
“Kính
thưa Thầy Trần Long, cựu khoa trưởng PK CTKD VDH Dalat và Cô Trần Long,
Thưa
các bạn, các anh chi cùng khóa 8, cùng trường, gia dinh và thân hữu,
Thưa
quý vị quan khách,
Đêm hôm
nay là dịp hiếm có cho cựu SV chúng ta gặp nhau thật đông đủ sau 45 năm vào trường
mẹ, trường CTKD VDH Dalat. Đây là dịp để
chúng ta gặp gỡ hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm xa xưa khi còn học tập sinh hoạt
chung dưới mái trường
thân yêu.
Đây cũng là dịp chúng ta hát cho nhau nghe, cùng hát với nhau, và cùng
nhau khiêu vũ trong tình thần ái…
Trước khi bắt đầu chương trình, xin quý thấy
cô, các bạn, và quý vị quan khách một phút tưởng niệm đến những người gắn bó với
cuộc đời SV của chúng ta đã ra đi vĩnh viễn, gồm có cha Nguyễn Văn Lập, Cựu
Viên Trường VDH Dalat, Frère Kế, các cựu GS, cựu nhân viên ban quản trị VĐH, và
các bạn cùng trường cùng lớp…”
Ngay liền sau khi Dũng dứt lời, một cổ bánh to,
tuyệt đẹp, có in hình logo của khóa 8 CTKD, do vợ chồng Diệu Linh & Lạc
mang đến làm quà kỷ niệm 45 năm cho toàn khóa 8, nay được đôi bạn trang trọng đẩy
ra trình Thầy Cô Trần Long và các bạn. BTC đã hân hoan mời Thầy Cô Trần Long cắt
tượng trưng cổ bánh để chính thức khai mạc đêm Màu Kỷ Niệm trước sự vổ tay vang
dậy của mọi người.
Vào phần nhạc thính phòng, xin mới quý bạn lắng nghe Ngu Yên gởi gắm tâm tư của mình như sau:
“Kỷ niệm là những viên ngọc mà thời gian làm
tăng giá trị, càng lớn tuổi kỷ niệm càng trở thành báu vật, có phép thuật đưa
ta về ngược dòng đời, cho chúng ta những cảm giác, những hình ảnh không bao giờ
có thể có lại được. Kỷ niệm như loại rượu quý, càng cất lâu càng ngon, uống vào
đê mê, có khi say, có khi bật tiếng cười, có khi chảy nước mắt…Nhớ ngày nào vào
đại học ngồi chung lớp, bạn bè vui nhưng có lúc yêu thầm, tương tư người qua
màu áo thương yêu… Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân
trường…
Có lẻ
đây là thời gian đẹp nhất của các bạn, khoảng đời làm sinh viên vừa lớn đủ để
thoát khỏi cha mẹ kiểm soát, vừa nhỏ đủ để không đi làm, chưa lớn đủ để biết đời
có trăm vạn nẻo nhiễu nhương, chưa làm ra tiền nhưng biết xài tiền, có khuynh
hướng nhìn đời bằng màu hồng và nghĩ mình có thể thực hiện mọi giấc mơ.
Có bạn may mắn hơn học bài rồi hẹn hò rủ đi
chơi, dù chỉ quanh quẩn đây đó trong khuôn viên đại học. Thưa quý vị và các bạn,
đêm nay là đêm vô cùng đặc biệt cho thân tình của anh chị em khóa 8. Màu Kỷ Niệm
sẽ đổi thay theo thời gian. Cho dù mai nay ra sao, kẻ xa người gần, đêm nay sẽ
đuợc ghi vào trí nhớ của mỗi người chúng ta…để
thỉnh thoảng bật lên nụ cười hay ngậm ngùi muốn khóc. Dù một mai có xa nhau,
màu tóc bạc dần theo thời gian, mắt mờ dần không nhìn thấy người bạn năm nao,
chân yếu mệt không đến được với nhau, thì hảy xin giữ cho nhau thương yêu một
màu kỷ niệm…”
The Mind replays what
the Heart can’t delete
Đèn bổng được tắt. Căn phòng trở nên lung
linh dưới ánh sáng huyền diệu của những ngọn nến vừa được thắp lên, phản chiếu
qua gương hai bên tường như trăm đốm sáng nhảy múa chập chờn. Hình ảnh dật dờ, âm
thanh lắng dịu, lòng người chùng xuống như cùng nhau hướng về quê cũ, nơi xưa.
Khi nói đến Kỷ Niệm, chúng ta đều khắc khoải
nhớ đến quê hương yêu dấu, nét chiến chinh điêu tàn của đất nước, mái nhà ấm cúng
hạnh phúc một thời và hình ảnh người trai dấn thân trong phong sương “Giờ này người anh yêu dấu năm xưa còn đâu,
nhờ dòng thời gian cho nhắn đến anh vài
câu…”. Theo thời gian, chúng ta “đã bao năm qua, sống nơi phương xa, về quê cũ đành dừng bước chân giang hồ”. Đó
là tinh thần của bản hợp ca Liên Khúc Nhớ Về Quê Xưa & Dừng Bước Giang Hồ,
mở đầu cho chương trình nhạc thính phòng, do 15 nữ, gồm 14 A và một B (Ái Phương,
mà A là Bành Văn Lan), tha thướt trong màu áo lụa, cùng cất tiếng hát với bè
nam gồm cả A và B. Không biết nói gì hơn ngoại trừ 2 chử Cảm Động và Biết Ơn.
Kế tiếp là 16 bản tình ca tiêu biểu không những
cho lứa tuổi của chúng ta từ thời mài ghế giảng đường cho đến mãi sau này, mà luôn
cho cả cuộc đời cùng thân phận con người, được lãng tử chèo đò Ngu Yên cầm mái
chèo đưa chúng ta quay ngược dòng thời gian rồi trở về lại với hiện tại. Mời quý
bạn ngồi thư giản bên mạn thuyền thả hồn nghe lại những đoạn chính của từng bản
nhạc để nhớ đến từng người bạn mình trình diễn với tất cả tâm hồn và rung động:
“Tôi vẫn
tha thiết yêu ngày xưa”, khi “ngồi im bóng
lắng nghe tháng ngày qua”, hay khi “chờ
trăng lên nghe sao thì thầm, thời gian qua đâu ngờ cuộc đời bao la…” Hoặc nhớ về “tình xưa ấy bấy lâu phai mờ dáng ai, quê cũ nay cách xa xôi muôn trùng”.
Hoặc lo sợ vì “có những đêm âm thầm nghe
tin vang xa ngoài tiền tuyến” dù vững lòng “mộng về một đêm xuân sang, em thì thầm ngày đó thương anh”. Phải
chăng chúng mình còn nhớ đến “ngày đó có
ta mơ được trọn đời tình vươn vai lên khơi”, để tự hỏi “tìm đâu những ngày thơ ấu
qua? Tìm đâu những ngày xinh như mộng? Tìm đâu những ngày thơ? Tìm đâu những
chiều mơ?” rồi can trường xin xỏ “cho
tôi yêu em nồng nàn, dù biết yêu tình
yêu muộn màng”, hay mơ ước “có yêu
xin những ngày thơ ngây”...
để khi nơi xa vẫn nguyện cầu “đêm nay cô đơn đi về, xin người hãy nhớ tình tôi”. Những khi dang dở đành phải “xin em hãy cho tôi tạ tình khi em đã đi qua đời tôi”, bi đát hơn nữa đành phải thốt lên “ừ, thôi em về!” Tuy nhiên, đời có những chuyễn biến thanh thoát hơn, như “nếu có ngày nào em quay gót lui về thăm lại bến thu xa, thì đôi mái tóc không còn xanh, mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha” lẫn trong tình quê hương mờ xa “lòng chạnh nhớ đêm nào ngắm trăng vàng chiều bên bờ nước xanh mơ hồ, lòng chạnh nhớ đồng lúa xanh chiều ấy ta nhìn cánh chim trời bay, lòng chạnh nhớ xuân nào ngắm xuân về bao mạch sống xuân chan hoà, tình xưa ấy êm đềm với bao nhớ nhung còn lắng sâu muôn đời”. Để thấy đời còn đẹp, đáng yêu và đáng nhớ khi “tay, này tay nắm tay, nhìn nhau đắm say như chưa bao giờ” để giữ đời cho nhau “dù mai đây hương mùa cũ phôi pha, anh vẫn sẽ yêu em như những ngày trẻ dại”.
Riêng mục trình diễn “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của bạn Kim Cúc, mà tôi luôn được nghe giới
thiệu là người đậu thủ khoa khóa 8 liên tục trong nhiều năm, kể cả khi tốt nghiệp
(người Pháp thường xưng danh là Laureat), vô cùng độc đáo, có một không hai. Không
phải vì đây là mục ngâm thơ duy nhất, mà vì đây là mục mà Ngu Yên và Ngọc Phụng
tốn rất nhiều tâm trí và công sức để dàn dựng “riêng một góc trời” với ánh đèn
spotlight đặc biệt chiếu vào người trình diễn và hai ngọn nến sáng nhẹ bên dưới
chân. Thật là một master piece của đêm Màu Kỷ Niệm, chiếm trọn sự tán thưởng và
hãnh diện của đám bạn hiện diện. Câu thơ “Bao
giờ tôi gặp em lần nữa, ngày ấy thanh bình
chắc nở hoa!?” thật lắng đậm vào tim; xin thử hỏi K. Cúc, thanh bình đã đến
chưa?!
Chương trình tạm gián đoạn trong 5 phút để toàn thể các bạn xum xít thưởng thức cái ngon của ổ bánh. Nhìn các bạn cười cười nói nói với nhau, múa máy chân tay, với một chút hồng hồng trên đôi má, với một chút long lanh trong đôi mắt, tôi thầm nghĩ quý vị đang say tình bạn hơn là say vin rouge và Johnnie Black Label tôi mang tận tay mời mọi người. Tuy đây là thời gian entracte, tôi vẫn nhìn thấy quý anh MS. Hoàng và Bành Văn Lan vẫn tận tình tiếp tục sự nghiệp chụp hình, quay video một cách âm thầm, rất nhà nghề. Cũng nhờ vậy mà ngay trong sáng sớm hôm sau đêm Màu Kỷ Niệm, các bạn đã coi được ngay bao nhiêu hình ảnh vui nhộn một cách “nóng hổi, vừa thổi vừa xem” qua các video clips đưa vào UTube.
Chương trình tạm gián đoạn trong 5 phút để toàn thể các bạn xum xít thưởng thức cái ngon của ổ bánh. Nhìn các bạn cười cười nói nói với nhau, múa máy chân tay, với một chút hồng hồng trên đôi má, với một chút long lanh trong đôi mắt, tôi thầm nghĩ quý vị đang say tình bạn hơn là say vin rouge và Johnnie Black Label tôi mang tận tay mời mọi người. Tuy đây là thời gian entracte, tôi vẫn nhìn thấy quý anh MS. Hoàng và Bành Văn Lan vẫn tận tình tiếp tục sự nghiệp chụp hình, quay video một cách âm thầm, rất nhà nghề. Cũng nhờ vậy mà ngay trong sáng sớm hôm sau đêm Màu Kỷ Niệm, các bạn đã coi được ngay bao nhiêu hình ảnh vui nhộn một cách “nóng hổi, vừa thổi vừa xem” qua các video clips đưa vào UTube.
Trong phần phỏng vấn ca nhạc sĩ Ngọc Trọng của
chúng ta, sau khi anh hát xong bản Tình Cầm ( mà tôi cứ đọc nhầm là Tình Câm) của
P. Duy, anh Ngọc Trong cho biết những bài anh xuất thần sáng tác nhanh lại là
những bài được quần chúng hâm mộ. Ngược lại, những bài anh miệt mài làm trong
nhiều tháng, mài dủa lui tới nhiều lần thì lại không mấy nổi tiếng dù cá nhân
anh rất thích. Bài học thực tế rút ra từ cuộc phỏng vấn là một khi lở yêu nên tỏ
tình ngay rồi đánh nhanh đánh mạnh tức thắng. Cứ chần chờ, câu giờ chỉ có nước
thất bại và bị phỏng tay trên. Mời quý bạn nhìn lại dáng người bạn nghệ sỹ của
mình đang u u u.
Mục khiêu vũ, tuy được ca nhạc sĩ Vũ Hải đảm
nhận và soạn thảo chương trình rất chu đáo, kén chọn nhiều bản nhạc kích động,
techno, twist, chachacha…với khá nhiều ca sĩ line up sẳn sàng, đã được các bạn
bỏ ngang không tiếc nuối khi người bạn thân thương Phạm Lân có đôi lời về chứng
bệnh nan y ở giai đoạn cuối của mình. Toàn thể khóa 8 xúc động đứng vây xung
quanh Lân và cùng nhau cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của MS. đồng môn/ đồng khóa
Nguyễn Văn Hoàng, một bà con xa gần với cố tông tông Nguyễn Văn Thiệu.
Mục vạc ăn đêm tiếp liền sau khi mọi người rời
Dance Studio. Chuyện trò lại nở rộ bên cạnh tô phở nóng sau nữa đêm. Thiếu chăng
là một vài điếu thuốc (có mua sẳn nhưng quên đem theo) và một chầu cà phê. Rất
tiếc dân Little Saigon chơi chưa tới, nên không có tiệm cà phê tên tuổi nào mở
cửa vào lúc 2-3 giờ sáng!
Chúng tôi về đến nhà sau 2 giờ sáng, nhưng chẳng
thể nhắm mắt được cho đến trên 3 giờ. Chẳng qua bộ nảo vẫn còn quá sôi động sau
khi thu nhận không biết bao dữ kiện, hình ảnh, tên tuổi (em 63 tuổi, có 1 chồng
3 con…), lời nói, tiếng cười, tiếng hát, âm thanh… của một đêm tràn ngập kỷ niệm
và hạnh phúc.
Đêm Màu Kỷ Niệm có những đặc điểm như sau:
1/ Mục
dễ thương nhất và trẻ thơ nhất: khi quý bạn giới thiệu về mình với Thầy Cô và các
bạn cùng khóa.
2/ Phái
đoàn nào hùng hậu nhất: phái đoàn từ tiểu bang Texas, nổi tiếng “cái gì cũng to
nhất”, không kể tiểu bang host.
3/ Tham dự đông nhất: phái nữ với tỷ lệ 3/1. Xin
xem hình kèm theo là biết ngay.
4/ Người
tham dự đến từ nơi xa nhất: vợ chồng Viên Thế Khanh và Đặng Xuân Lang & chồng,
từ Miệt Dưới. Gracias.
5/ Lời
tự giới thiệu độc đáo nhất: em là con gái Huệ. Phe ta mà!
6/ Người
trò được Thầy Long thương nhất: là một Fulbright Fellow, đang tiếp tục dạy môn gần
giống môn của Thầy ở VN.
7/ Người
hát có giọng ca mạnh nhất: NT Út # B (Bính Lưu)
8/ Cặp
khiêu vũ nhuyễn nhất: Khiết & Châu
9/ Câu
nói phản khoa học nhất: “yêu Trăng biết nói” của Thầy Long. Hì hì.
10/ Người nịnh vợ mình nhất: cũng Thầy Long,
vì không những “yêu trăng biết nói” mà còn nhớ ngày tháng năm khi gặp trăng lần
đầu (ngày Thứ Sáu mồng 8, tháng 8, 1958 lúc 10:30 sáng) Các bạn nên ghi nhận câu
của Thầy nhé “tình duyên một kiếp, thiên duyên muôn đời”
11/ Người có tình nhất: người đem tặng cho mỗi
bạn của mình một chiếc nhẩn không phải để xỏ mủi mà để đeo vào ngón tay. Ngay cả
cháu Bồ Câu ở nhà cũng được luôn một cái.
12/ La hét nhiều nhất: đương nhiên phải là ông
MC. Hề hề! Tội nghiệp quá! May mà có nước giá của M. Tâm cứu giọng.
13/ Người xí xọn nhất: quên tên rồi, nhưng in
tuồng như ở cách đây nữa vòng trái đất.
14/ Người chiêu đải các bạn mình trong nhiều
ngày nhất: cặp vợ chồng ở Chicago, vì bạn,
mà mở tiệm cà phê Mimosa nằm ngay ở lổ rún Saigon Nhỏ. Merci beaucoup.
15/ Người đại diện duy nhất cho cả lục địa Âu
Châu: Nguyễn Công Huy A + B
16/ 2 cặp vợ chồng toàn A cả: Khiết & Châu
và Chánh & Ánh.
17/ Người dành micro giới thiệu không cho dzôn
kịp nói: cũng cả Châu lẫn Ánh
18/ Người được chụp nhiều hình nhất: Hải. Dù
chỉ được chụp ké. Trên sân khấu.
19/ Người cụng ly nhiều nhất: Út và V. Chánh,
một A và một B, lại vừa Cu Đê vừa phe Mũ Đỏ.
Phải dừng thôi, không thì bị Nàng dủa. Còn bị
kêu là “người nhiều chuyện”
Thay mặt BTC, chúng tôi cám ơn tất cả các bạn
khóa 8 CTKD đã tìm về với nhau, mang đến sự thành công cho đêm Màu Kỷ Niệm.
Cám ơn những bạn: Diệu Linh & Lạc, Chánh
& Ánh, Trúc Mai, Thu Hiền, anh Nam & M. Tâm…đã đem cái đuôi dài thòn dạo
phố Bolsa ăn hàng thả cửa. Thank You.
Riêng cá nhân V. Chánh xin cám ơn quý bạn đã
cho tôi diễm phúc được “tỏ tình” với Nàng trước bao nhiêu bạn cùng khóa.
Priceless.
Trong 7 điều người đời cho là có giá trị hơn
tiền bạc, gồm: Thời Gian, Kinh Nghiệm, Sức Khỏe, Gia Đình, Bạn Bè, Kỷ Niệm, Thư
Giản, khóa 8 CTKD có gần hết. Này nhé: xữ dụng thời gian tìm đến nhau, cho nhau
kinh nghiệm sống xưa và nay, đem theo người B, vui chơi với bạn bè, góp nhặt kỷ
niệm với nhau và thư giản trong tiếng vui cười và tiếng hát với nhau. Còn gì
hay hơn!
Xin được xữ dụng lại lời viết trong thư cảm tạ
của Nàng “Xin cùng vổ một tràng pháo tay cho tất cả chúng ta! Mong sẽ còn cơ hội
gặp nhau trong những ngày tháng tới”
Cuối cùng, tôi xin mượn bản nhạc “Cho Đời Chút
Dễ Thương” của BS. Lê Khắc Bình, một Quân Y Sĩ đồng lứa, để gởi đến quý bạn khóa
8 CTKD lời cầu mong tất cả chúng ta sống đẹp, sống hài hòa, luôn luôn dễ thương
với nhau và mãi mãi nhớ nhau. “Hảy cho nhau nồng ấm, để giữ cho đời còn mãi dễ
thương”.Thân mời quý bạn lắng nghe bản nhạc trong link dưới đây.
Với tất cả tình thân,
Vĩnh Chánh & Phan Minh Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét